Vượt qua những khó khăn, thách thức, 7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt kết quả tích cực: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, thu hút đầu tư tăng trưởng khá, du lịch tiếp tục khởi sắc, công tác an sinh xã hội được đảm bảo...
Những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,8%; công nghiệp khai khoáng giảm 3,3%.
Trong 7 tháng năm 2024, hầu hết ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 14,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 301,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng mức và tăng 10,1% (đá quý, kim loại quý tăng 38%; lương thực, thực phẩm tăng 12,3%; hàng may mặc tăng 9,6%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,4%; ô tô con tăng 7,6%; xăng dầu tăng 7%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 6,2%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6%; hàng hóa khác tăng 13,4%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 62,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% và tăng 10,5% (dịch vụ lưu trú tăng 32,5%; dịch vụ ăn uống tăng 8,3%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 46,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 95,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% và tăng 6,5%.
Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Hà Nội. Khách du lịch đến Hà Nội tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, 7 tháng ước đạt 3.494 nghìn lượt người. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2.433 nghìn lượt người, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa ước đạt 1.061 nghìn lượt người, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dấu hiệu khởi sắc ngành du lịch Hà Nội cho thấy thành công từ việc khai thác, thử nghiệm các sản phẩm du lịch đêm vào phục vụ du khách. Nổi bật là việc ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm đặc sắc đã trở thành kênh thông tin quảng bá điểm đến mới tại Hà Nội, giới thiệu hai điểm đến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” và Điểm du lịch cộng đồng Bản Miền – Ba Vì…
Lĩnh vực xuất, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ 7 tháng đạt 33,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 15,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,3%.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,5 tỉ USD, tăng 10,9%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,3 tỉ USD, tăng 6,6%; hàng dệt may đạt 1,2 tỉ USD, tăng 1,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,2 tỉ USD, tăng 16,7%; hàng nông sản đạt 958 triệu USD, tăng 61,1%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 478 triệu USD, tăng 11,3%; hàng hóa khác đạt 2,6 tỉ USD, tăng 10,5%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 23,1 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,7%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 3,9 tỉ USD, tăng 18,4%; xăng dầu đạt 2,9 tỉ USD, tăng 1,3%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,4 tỉ USD, tăng 11,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,3 tỉ USD, tăng 22,8%; sắt thép đạt 1,3 tỉ USD, tăng 37,2%; kim loại khác đạt 856 triệu USD, tăng 56,6%; chất dẻo đạt 727 triệu USD, tăng 8%; hàng hóa khác đạt 8,1 tỉ USD, tăng 15,5%.a
Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài khi 7 tháng TP thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỉ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Tổ chức nghiên cứu Savills cũng chỉ ra, sự gia tăng đột ngột doanh số xuất khẩu điện tử và điện thoại phản ánh quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Với nhiều tiềm năng, Hà Nội được nhận định là một trong những tỉnh, TP phát triển ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn của cả nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, công nghệ tương lai.
Trong 7 tháng năm 2024, TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho gần 18.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 162,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 6,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%; 18,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 23%; có 2,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 18%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Với sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thu ngân sách của Hà Nội tăng 24,7% so với cùng kỳ, ước thực hiện 337,2 nghìn tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán pháp lệnh năm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cho biết, Thủ đô đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính, đi đầu cả nước thực hiện mô hình phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính. Hàng trăm thủ tục được Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện.
Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và hạn chế nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong quá trình đầu tư. Vì vậy, đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới" - ông Nguyễn Mạnh Quyền cho hay.
TP cũng rất quan tâm tới việc lắng nghe chia sẻ, đề nghị của các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiều lần tổ chức gặp mặt, đối thoại tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực như thủ tục, chính sách đất đai, thuế…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn, các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn Hà Nội cũng đang từng bước mạnh dạn hơn trong tham gia vào thị trường kinh doanh thời điểm này.
Với nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt và phù hợp với thực tiễn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của TP. Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội của TP cũng tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức như tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội còn cao (7 tháng tăng 5,36%), kéo theo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng…
Theo đánh giá của UBND TP, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6 tháng cuối năm GRDP phải tăng từ 6,9 - 7,9%, đây là những nhiệm vụ rất nặng nề Hà Nội cần tập trung phấn đấu hoàn thành với tinh thần khẩn trương và quyết tâm rất lớn.
Theo đó, Hà Nội quyết liệt, tập trung thực hiện 11 nội dung nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, kiểm soát lạm phát. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; Tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh ký kết các hợp đồng xuất khẩu; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 4-5%.
TP tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả chính sách của Trung ương về miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, kiểm soát tốt giá cả, thị trường.
TP sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, nhất là giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công bám sát thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm. Phấn đấu kết quả giải ngân năm 2024 đạt kết quả cao nhất (tối thiểu phải đạt trên 95%).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội tập trung và ưu tiên cao độ trong việc triển khai thi công các công trình trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển hạ tầng, giao thông cho Thủ đô Hà Nội những năm tới.
Bám sát tinh thần chỉ đạo "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, với chủ đề xuyên suốt là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành thực hiện, 24 chỉ tiêu và 94 nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm và tiến độ hoàn thành của từng sở, ban, ngành và địa phương với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ trên tinh thần 3 rõ (Rõ thẩm quyền, trách nhiệm - Rõ quy trình, thời gian, chất lượng, hiệu quả - Rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng hoặc xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 24 ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Không những thế Hà Nội còn tập trung triển khai tổng thể, toàn diện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đẩy mạnh phát triển dữ liệu, phát triển ứng dụng, các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng phục vụ, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính...
Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số gắn với xây dựng thành phố thông minh, hiện đại. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn.
TP cũng đã triển khai thử nghiệm một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, như: Ứng dụng công dân Thủ đô số - iHaNoi; thẻ vé giao thông Hà Nội cho vận tải hành khách công cộng.
Song hành với việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, TP sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.
TP cũng sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, triển khai hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Một trong những nhiệm vụ đáng chú ý từ nay đến cuối năm, đó là UBND TP. Hà Nội tập trung triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống. UBND TP. Hà Nội sẽ ban hành quyết định, hoặc trình HĐND TP. Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cho cấp xã theo quy định trong quý IV/2024.
05:24 14/08/2024