Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tập trung truyền thông đến người tiêu dùng lợi ích khi dùng hàng Việt

Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới, chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích sẽ được đổi mới, nhất là việc nâng cao hơn nữa các tiêu chí xét chọn, cách thức để thu hút người dân bình chọn, đánh giá một cách thực chất nhất.

Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.  
Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.  

Năm 2009, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và trong nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng Việt, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” để vinh danh, lan tỏa thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2023 là năm Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được tổ chức lần thứ 13. Chương trình tiếp tục trở thành một trong những hoạt động quan trọng của thành phố Hà Nội nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt. Qua đó, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt…

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, các hoạt động Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trong 13 năm qua của TP Hà Nội rất hiệu quả, đó là sự tăng trưởng lợi nhuận khi tham gia bình chọn đều tăng từ 10 - 20%; lợi nhuận trên đầu sản phẩm từ 15 - 20%; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ít đi. Ngoài ra, Chương trình tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mặt hàng vì đã tham gia cuộc bình chọn phải thực thi các chính sách pháp luật tốt.

Theo ông Mạc Quốc Anh, khi tham gia, các doanh nghiệp xác định được phân khúc khách hàng; quy trình sản xuất đầu tư của doanh nghiệp thay đổi nhiều; xác lập được kênh bán hàng; chất lượng sản phẩm khi tham gia đều được thay đổi, được làm mới. Doanh nghiệp đưa ra mức giá phù hợp; chuỗi liên kết cung ứng giữa các doanh nghiệp được xác lập. Đáng lưu ý, trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp khi tham gia cuộc bình chọn ngày càng lớn, đặc biệt là trách nhiệm với xã hội, người tiêu dùng, với cán bộ công nhân viên của mình.

“Doanh nghiệp được mua nguyên liệu với giá hợp lý và được hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ tích cực từ trung ương, thành phố và các sở, ban, ngành” – ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền Phương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận Hai Bà Trưng cho biết, vẫn có nhiều người dân còn tâm lý tiện đâu mua đó, chưa thực sự quan tâm tới thương hiệu, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, trong khi tâm lý sính ngoại, chuộng hàng xách tay còn phổ biến.

Đối với Ban Chỉ đạo cấp cơ sở, mặc dù đã đẩy mạnh công tác vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tham gia các chương trình bình chọn, những việc này đối với các quận là rất khó khăn vì chỉ có thể vận động doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu hoạt động kinh doanh thương mại.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gia Lâm cho rằng, ở nhiều nơi, người dân chỉ hiểu đơn giản là vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà chưa hiểu tường tận mục đích của chương trình còn gắn với niềm tự hào dân tộc, việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn lợi dụng Cuộc vận động để đưa hàng hóa về nông thôn và giới thiệu không chính xác, khiến lòng tin của người dân về sản phẩm giảm đi.

Từ việc nhìn nhận những hạn chế, ông Đạt đề xuất, chính quyền các cấp nên tạo cơ chế tốt nhất để đẩy mạnh hàng tiêu dùng tới người dân, phải bảo đảm lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, chương trình bình chọn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức bình chọn, như: Số lượng doanh nghiệp có đủ tiêu chí tham gia luôn tăng trưởng hằng năm nhưng tỷ lệ chưa cao; số lượng doanh nghiệp lớn và có uy tín tham gia bình chọn còn hạn chế; hoạt động về chuyển đổi số, đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bình chọn đã được thực hiện nhưng cần đẩy mạnh theo xu hướng phát triển của thị trường, việc triển khai bình chọn trực tuyến trên website chương trình, fanpage nhưng người tiêu dùng tham gia chưa cao.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, chương trình bình chọn sẽ được đổi mới, nhất là việc nâng cao hơn nữa các tiêu chí xét chọn, cách thức để thu hút người dân bình chọn, đánh giá một cách thực chất nhất.

Công tác tổ chức cũng sẽ được thay đổi nhằm tối ưu hóa. Trong đó, không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; tăng cường truyền thông, quảng bá chương trình trên phương tiện truyền thông tại các quận, huyện… để tạo hiệu ứng cho chương trình, đặc biệt là tập trung vào truyền thông đến người tiêu dùng về lợi ích khi dùng sản phẩm hàng Việt.

“Chúng tôi sẽ đổi mới trong công tác tổ chức về tiêu chí sản phẩm, dịch vụ đăng ký tham gia, trong đó ưu tiên sản phẩm mới để qua đó thúc đẩy doanh nghiệp tích cực sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, năm 2023, nếu doanh nghiệp đăng ký tham gia 1 sản phẩm thì đó phải là sản phẩm mới; 2 sản phẩm thì phải có ít nhất 1 sản phẩm mới; 3 sản phẩm thì phải có ít nhất 2 sản phẩm mới…” – ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin.