Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thêm 996 ca mắc, 71 ổ dịch sốt xuất huyết

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 11 đến 18/8), Hà Nội ghi nhận 996 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 234 ca so với tuần trước đó).

Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Hoàng Mai (103 ca), Thanh Trì (73 ca), Thạch Thất (63 ca), Bắc Từ Liêm (55 ca), Hà Đông (55 ca), Phú Xuyên (51 ca), Cầu Giấy (50 ca).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 4.508 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 472/579 xã, phường, thị trấn.

Lãnh đạo TTYT huyện Thạch thất trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các hộ gia đình.
Lãnh đạo TTYT huyện Thạch thất trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các hộ gia đình.

Cũng trong tuần qua, có thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện, thị xã. Trong đó, dẫn đầu là quận Hoàng Mai với 13 ổ dịch.

Tiếp đến là quận Bắc Từ Liêm (10 ổ dịch); huyện Đan Phượng (6 ổ dịch); quận Đống Đa (5 ổ dịch); quận Hà Đông, quận Cầu Giấy, huyện Mê Linh - mỗi nơi có 4 ổ dịch; quận Hai Bà Trưng, quận Tây Hồ, huyện Phú Xuyên - mỗi nơi có 3 ổ dịch; huyện Ba Vì, huyện Ứng Hòa, huyện Thanh Oai, quận Hoàn Kiếm, huyện Chương Mỹ, huyện Phúc Thọ - mỗi nơi có 2 ổ dịch; huyện Quốc Oai, huyện Thường Tín, huyện Mỹ Đức, quận Nam Từ Liêm - mỗi nơi có 1 ổ dịch.

Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 129 ổ dịch đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã.

Trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá – huyện Thạch Thất có 344 bệnh nhân; xã Hữu Bằng -huyện Thạch Thất có 186 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh - xã Vĩnh Quỳnh – huyện Thanh Trì (217 bệnh nhân); thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (72 bệnh nhân)…

CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng nhanh. Trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Phun hóa chất diệt muỗi
Phun hóa chất diệt muỗi

Dự báo, thời gian tới, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Trong tuần này, TP Hà Nội tiếp tục giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch tại các quận, huyện: Phú Xuyên, Tây Hồ, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân.

Theo CDC Hà Nội, hiện nay, biện pháp phòng, chống dịch vẫn là diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Với biện pháp diệt bọ gậy, một là áp dụng cách thức cơ học, loại bỏ các ổ bọ gậy ở tất cả các dụng cụ có chứa nước như: lật úp, cất đi hoặc loại bỏ những vật dụng có nước mưa và nước đọng lại. Hai là phương pháp sinh học như thả cá vào bể chứa nước hay các dụng cụ chứa nước trong gia đình. Đây là cách làm rất hiệu quả.

Đối với khu vực ngoại thành - nơi hay sử dụng bể chứa nước, biện pháp thả cá rất quan trọng. Còn đối với khu vực nội thành, ổ bọ gậy vẫn phát sinh chủ yếu ở những chậu hoa, cây cảnh, các bình hoa, lọ hoa và dụng cụ có chứa nước ở chính trong mỗi ngôi nhà.

Chính vì vậy, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần có hướng dẫn phòng, chống dịch cụ thể đối với các xã, phường, thị trấn.

Theo các chuyên gia y tế, diệt bọ gậy mới chính là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu.

Chính vì vậy, các đơn vị, địa phương phải tuyên truyền, vận động làm sao người dân tự giác diệt bọ gậy mới hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hằng ngày, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chỉ cần dành 3-5 phút cho việc diệt bọ gậy trong và xung quanh gia đình nhà mình.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm các đề nghị của đoàn y tế, chính quyền địa phương trong khi đi dập dịch, cụ thể: mở cửa cho cán bộ y tế, tổ trưởng, dân phòng, cộng tác viên y tế vào hướng dẫn phát hiện và diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.