Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thu hồi dự án chậm triển khai: Không để lãng phí đất đai

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện về dự án chậm triển khai, bỏ hoang đã được bàn luận từ hàng chục năm nay trên địa bàn Thủ đô. Giữa lúc tưởng chừng mọi việc lại đi vào bế tắc, thì chính quyền TP Hà Nội kiên quyết xử lý, hàng loạt dự án chậm triển khai đã bị thu hồi.

Không dễ xử lý

Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có 380 dự án “treo” nằm rải rác ở khắp các quận, huyện. Từ công trình phục vụ dân sinh đến cả những dự án nằm ở trung tâm TP được xem là “đất vàng” cũng rơi vào hoàn cảnh “đắp chiếu” hàng chục năm. Đơn cử như dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (quận Nam Từ Liêm) nằm tại lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, với số vốn hơn 2.500 tỷ đồng, sát với tuyến đường Vành đai 3. Khởi công vào tháng 5/2011, chủ đầu tư tuyên bố sẽ hoàn thành vào năm 2014, tuy nhiên đến nay, tòa nhà 31 tầng nổi và 4 tầng hầm vẫn trơ khung.

TP Hà Nội quyết liệt trong việc thu hồi các dự án bỏ hoang. Trong ảnh: Một dự án chậm triển khai tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
TP Hà Nội quyết liệt trong việc thu hồi các dự án bỏ hoang. Trong ảnh: Một dự án chậm triển khai tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Đối diện với tòa Vicem Tower là dự án Apex Tower (lô HH3, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm), được xây dựng trên khu đất diện tích 2.780m2, khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay cũng chỉ hoàn thiện phần thô. Hay tòa nhà Tokyo Tower tọa lạc tại số 48 Vạn Phúc (quận Hà Đông) được xây trên diện tích đất gần 4.600m2, còn có tên gọi khác là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51 Tower, chủ đầu tư từng cam kết sẽ bàn giao nhà vào quý IV/2017 nhưng hiện vẫn chưa được hoàn thiện, còn bên ngoài hàng rào tôn đề biển ''Bãi gửi xe có mái che''...

Cũng tại quận Hà Đông, dự án chung cư cao cấp Golden Millenium Tower, tọa lạc trên phố Trần Phú, với tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, mặc dù khách hàng đã nộp tiền mua nhà hàng chục năm chủ đầu tư vẫn không cam kết phương án giải quyết. Cùng chung hoàn cảnh là dự án Sky Garden Towers, ngõ 115 Định Công (quận Hoàng Mai), tổng diện tích 7.000m2 khởi công từ năm 2012, quy mô 28 tầng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, 2 tầng hầm, đến nay đang dừng lại ở 8 tầng nổi và 2 tầng hầm...

Bên cạnh những dự án đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thi công phần thô hoặc một số hạ tầng kỹ thuật, sau đó nằm “đắp chiếu” thì cũng còn hàng trăm dự án “ôm” đất đến gần 20 năm nhưng cũng không triển khai, chủ yếu nằm ở các địa bàn huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì... Trong đó, huyện Mê Linh có số lượng nhiều nhất, tổng số gần 50 dự án với gần 2.400ha đất nằm “đắp chiếu”, người dân không có đất canh tác, Nhà nước không thu được tiền sử dụng đất, gây lãng phí nghiêm trọng.

Mặc dù tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý những dự án chậm triển khai, bỏ hoang không phải là vấn đề đơn giản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án. Đồng thời, chưa nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, thiếu chế tài xử phạt chủ đầu tư không hợp tác. Ngoài ra, do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng... Để chấm dứt hoạt động của dự án cũng cần phải đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi.

“Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Thực trạng này xảy ra một phần do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là do buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.

Quyết liệt hành động

Trước những diễn biến phức tạp, khó xử lý đối với những dự án chậm triển khai, bỏ hoang trên địa bàn, từ năm 2018, TP Hà Nội đã đẩy mạnh kiểm tra, rà soát công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đề xuất phương án xử lý phù hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thời gian khắc phục khả thi. Cùng với đó mạnh tay thu hồi đối với những dự án này.

Cụ thể, ngày 28/12/2022, Sở TN&MT Hà Nội đã ban hành Văn bản 10303/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP đối với 4 dự án, gồm: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (Cụm Công nghiệp Cam Thượng, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) do Công ty CP Bê tông Vạn Trường Thành là chủ sử dụng đất; dự án Khai thác chợ Kim Liên (23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa); dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên (xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh) do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên là chủ sử dụng đất; dự án Xây dựng xưởng sản xuất mành xuất khẩu (thị xã Sơn Tây) do Công ty TNHH Mành Trang Trí là chủ sở hữu đất.

Trước đó, vào tháng 10 vừa qua, Sở TN&MT Hà Nội cũng có văn bản số 8053/STNMT-TTr công khai danh mục 23 dự án mà TP có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chậm dứt hoạt động dự án đầu tư.

“Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai, bỏ hoang, như sự yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, đặc biệt là vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính đã gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, với việc thu hồi nhiều dự án chậm triển khai thời gian gần đây, đã thể hiện sự quyết liệt, mạnh tay của chính quyền TP Hà Nội trong việc xử lý tồn đọng kéo dài hàng chục năm qua. Đây cũng là một trong những biến pháp nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, gây nhiễu loạn thị trường của một số chủ đầu tư” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nói.

Đánh giá một cách khách quan, việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiều dự án không được triển khai hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký, gây lãng phí nguồn lực đất đai, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng này đã và đang trở thành điểm nghẽn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như hiệu quả thu hút đầu tư.

Do vậy, việc tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để dự án này thực hiện có hiệu quả là cần thiết, cấp bách nhằm xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ lập, thẩm định đến phân cấp trong hệ thống chính quyền địa phương, thanh tra xử lý vi phạm về kế hoạch sử dụng đất. Về thu hồi, giao đất, cho thuê đất cần quy định rõ hơn về tính chất, loại dự án để giao đất...

Tài nguyên đất đai không chỉ là vấn đề quan trọng được quan tâm mà ngày càng được nâng tầm vị thế, tiềm năng. Để tạo đột phá cho giai đoạn tới phát triển bền vững cần có nhận thức đồng bộ về đất đai, nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia để đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm