Thu ngân sách trên địa bàn TP Hà Nội trên 332.000 tỷ đồng, đạt 106,8%
Năm 2022, Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội của Thủ đô đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch) với một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, TP Hà Nội đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19, các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới và hoạt động dịch vụ du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/03/2022 đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.
Thứ hai, TP Hà Nội tiếp tục chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành gắn với chủ động triển khai nhiều nội dung lớn, quan trọng về phương hướng phát triển, về quy hoạch, về cơ chế chính sách để tạo đà phát triển Thủ đô trong những năm tới và định hướng cho các giai đoạn tiếp theo.
Thành phố đã ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115 của Quốc hội gắn với quá trình triển khai tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô. Triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đang tiếp tục rà soát và báo cáo đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo tinh thần của Nghị quyết số 04 của Chính phủ, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực công tác của Thành phố (với trên 1.700 nhiệm vụ QLNN; gần 1.900 thủ tục hành chính) để xây dựng Đề án, trình HĐND Thành phố thông qua, trong đó đã ủy quyền hơn 700 thủ tục hành chính.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội, Thành phố đã trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Hà Minh Hải, TP Hà Nội cũng đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số: đưa vào ứng dụng, vận hành các phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành như: hệ thống quản lý các cuộc họp; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống theo dõi giải quyết kiến nghị cử tri;… Và tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hóa đơn điện tử theo chỉ đạo của Bộ Tài chính; đến nay, đã có trên 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký thành công và 99,99% các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công.
Thứ ba, TP Hà Nội đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; hỗ trợ trên 1.400 hộ thoát nghèo. Thực hiện giảm thuế GTGT cho trên 72.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền trên 13.000 tỷ đồng; Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng;…
Thứ tư, kinh tế phục hồi nhanh; các cân đối lớn được bảo đảm. GRDP phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước; cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%. Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 332.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản được kiểm soát: dự kiến trung bình cả năm 2022 dưới 4%.
Thứ năm, văn hóa xã hội tiếp tục được chú trọng phát triển. Thành phố đã chủ động ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Triển khai Kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.
Chọn chuyển đổi số là động lực phát triển
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2023, TP Hà Nội sẽ tập trung, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững. Tập trung thực hiện hiệu quả việc tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển các động lực tăng trưởng mới với trọng tâm chọn chuyển đổi số là động lực phát triển; phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy mạnh các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Quản lý, điều hành ngân sách chủ động, tích cực và giữ vững cân đối ngân sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngân sách. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công và thực hiện hiệu quả Kế hoạch nâng mức tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2025.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực tài chính ngân sách (như: công tác quản lý tài sản công, công tác quyết toán dự án hoàn thành,...) và tiếp tục đề xuất phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.