Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4: Phục vụ người dân, DN tốt hơn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị tại đầu cầu UBND TP Hà Nội.

 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành tại đầu cầu UBND TP Hà Nội.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, trong những năm vừa qua, công tác cải cách TTHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai và được xem như là giải pháp quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP thì TP Hà Nội được xếp thứ 2 toàn quốc. TP xác định cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong CCHC, xây dựng chính quyền thân thiện, hành động và phục vụ Nhân dân.

Trong chỉ đạo, điều hành, TP luôn quan tâm, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, TP chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn TP; tập trung triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến DVCTT mức độ 3, 4 phục vụ người dân, DN.

TP đã hình thành Cổng Thông tin DVCTT cung cấp các DVCTT mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đến thời điểm này, Hà Nội có 556 DVCTT mức độ 3, 4 trên 1.883 TTHC (trong đó có 386 DVCTT mức 3 và 170 DVCTT mức 4, bao gồm DVCTT do TP triển khai và tiếp nhận từ các bộ, ngành). Mục tiêu của Hà Nội đến hết năm 2018, TP phấn đấu đạt 55% TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
 Công dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Khương Mai (quận Thanh Xuân). 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, một số đơn vị triển khai các mô hình mới như “Khu dân cư điện tử”, “Tổ dân phố điện tử” ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên,… Các phường, xã đã tổ chức các đội thanh niên, sinh viên tình nguyện hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, tích cực đã tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, DN dễ dàng tiếp cận thông tin và sử dụng các DVCTT được TP cung cấp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, an sinh xã hội, làm nền tảng để các địa phương triển khai các DVCTT cũng như các ứng dụng khác phục vụ quản lý điều hành của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, DN tốt hơn. Ngoài ra, sớm triển khai Cổng DVC Quốc gia, hướng dẫn kiến trúc thống nhất trong triển khai cung cấp DVCTT và tích hợp với Cổng DVC Quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chú trọng hơn nữa công tác CCHC; tạo ra môi trường thân thiện, dễ gần; không ngừng nâng cao tính phục vụ, thái độ làm việc thân thiện để người dân, DN dễ dàng hơn trong việc thực hiện TTHC. “Hà Nội là địa phương có nhiều nhân lực giỏi, do đó, cần phải huy động nguồn nhân lực tham gia vào công tác triển khai, ứng dụng CNTT, giải quyết TTHC, tạo sự liên thông, thực hiện tốt DVCTT mức độ 3, 4”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.