Hà Nội: Tiếp tục đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ vào cuộc sống

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội Nông dân TP Hà Nội và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội sẽ tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, DN từ đó đề xuất, tham mưu với TP, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Ngày 28/3, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội chủ trì tổ chức đoàn giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội tại Phòng giao dịch Long Biên - Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP Hà Nội.

Quang cảnh buổi giám sát
Quang cảnh buổi giám sát

11.366 lượt người lao động được hưởng hỗ trợ

Báo cáo với đoàn giám sát, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Long Biên Nguyễn Thanh Lâm cho biết, tính đến ngày 25/3/2022, tổng dư nợ đạt trên 344,8 tỷ đồng, 5.598 lao động được vay vốn, tăng 28 tỷ đồng so với 31/12/2021. Phòng giao dịch đang thực hiện 7 chương trình tín dụng chính gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nhà ở xã hội, người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay vốn để trả lương cho người lao động. Trong đó, vốn ngân sách quận trên 27,8 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 126 ngày 8/10/2021 về bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 33 bổ sung Quyết định số 23, Phòng giao dịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan.

Đồng thời, chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của NSDLĐ để cung cấp các thông tin về chương trình tín dụng, hướng dẫn những trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn.

Giám đốc Phòng giao dịch Long Biên Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại buổi giám sát
Giám đốc Phòng giao dịch Long Biên Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại buổi giám sát

Về kết quả giải ngân, đến ngày 25/3/2022, đơn vị đã phê duyệt cho vay và giải ngân cho 3 NSDLĐ, số tiền hơn 50,2 tỷ đồng cho 11.366 lượt người lao động.

Cụ thể: Cho vay trả lương phục hồi sản xuất sau khi bị tạm dừng hoạt động là 2 NSDLĐ với số tiền trên 22,2 tỷ đồng trả lương cho 5.042 người lao động.

Cho vay trả lương phục hồi sản xuất trong lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ và người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 1 NSDLĐ, với số tiền gần 28 tỷ đồng trả lương cho 6.3334 người lao động.

Về kết quả thu nợ, từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay, Ngân hàng CSXH quận Long Biên đã thực hiện thu nợ số tiền trên 111 triệu đồng. Nguyên nhân do NSDLĐ không chi trả lương cho 29 lao động do đã thôi việc, chuyển công tác. Ngay sau khi giải ngân, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Long Biên đã thực hiện kiểm tra 3 NSDLĐ với số tiền là hơn 50,1 tỷ đồng.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Long Biên khẳng định, việc cho vay được giải quyết kịp thời cho NSDLĐ để trả lương phục hồi sản xuất đảm bảo quyền lợi, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn theo đúng chính sách của Chính phủ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Long Biên cũng nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, đây là chương trình tín dụng mới, hồ sơ pháp lý của khách hàng liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động được triển khai bằng nhiều loại văn bản/luật cần nghiên cứu kỹ để hướng dẫn khách hàng, trong khi cán bộ phòng giao dịch còn ít kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, trong thời gian cuối tháng 7 và tháng 8/2022, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đã gây nhiều khó khăn cho NSDLĐ trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, dẫn đến tiến độ hoàn thiện hồ sơ vay vốn của NSDLĐ còn chậm.

Một điểm khó khăn nữa là, các trường hợp NSDLĐ có nhu cầu vay để phục hồi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn vướng mắc về quyết toán thuế thu nhập năm 2020 hiện đã được tháo gỡ, tuy nhiên thời gian triển khai hồ sơ dồn nhiều vào cùng thời điểm, khối lượng vay vốn lớn, đơn vị có nhân sự hạn chế, gặp khó khăn do phải tập trung rà soát, thẩm định hồ sơ.

Tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Hoàng Liên Sơn đề nghị, MTTQ, HND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm phối hợp và thực hiện công tác giám sát thực hiện chính sách của Chính phủ về cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP cũng như các phòng giao dịch quận, huyện để đảm bảo chính sách của Chính phủ được triển khai tốt.

Quan tâm hơn đến doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng đánh giá cao kết quả tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP tại chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội nói chung và Phòng giao dịch Long Biên nói riêng.

Phó Chủ tịch Thường trực HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng phát biểu tại buổi giám sát
Phó Chủ tịch Thường trực HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng phát biểu tại buổi giám sát

“Chính sách của Chính phủ rất nhân văn và nhu cầu thụ hưởng của DN đối với chính sách này là rất lớn. Do đó tôi đề nghị chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội nói chung và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Long Biên nói riêng tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của DN, NSDLĐ để kiến nghị với các ngành, TP, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách. Đồng thời, cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình để đảm bảo công tác thu hồi khi đến hạn” - bà Dương Thị Hằng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HND TP Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị cần tăng cường công tác thông tin 2 chiều, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, DN từ đó đề xuất, tham mưu với TP, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt là quan tâm đến các DN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về phía HND TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội và các phòng giao dịch tiến hành giám sát việc sử dụng vốn vay của DN để trả lương cho người lao động. Qua đó, đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ đi vào cuộc sống đạt hiệu quả thực chất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.