Hà Nội: Tránh chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót nhiệm vụ trong quản lý nhà nước

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước của các sở, ngành được giao phải được quản lý đồng bộ, thống nhất từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, giảm tầng nấc trung gian, đúng quy định, phù hợp với thực tiễn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND, triển khai thực hiện Kết luận số 1269-TB/TU ngày 2/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của một số sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP Hà Nội.

Kế hoạch nhằm xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành phù hợp với tình hình thực tiễn và gắn với phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các sở, ngành được giao phải được quản lý đồng bộ, thống nhất từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, giảm tầng nấc trung gian, đúng quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố trên nguyên tắc không tăng tổng biên chế được giao của TP.

Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức hành chính, chức năng cung cấp dịch vụ công đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; bảo đảm nguyên tắc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành không thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; đẩy mạnh tự chủ tài chính, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Song song đó, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động để sắp xếp, bố trí phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc được giao. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy sau sắp xếp để xây dựng, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, xác định biên chế phù hợp, hiệu quả bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu của Trung ương.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của sở, ban, ngành với các cơ quan, đơn vị khác; xây dựng quy chế làm việc, quy trình công tác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.