Hà Nội: Transerco tiếp tục đưa xe buýt về các xã

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm mở thêm các tuyến buýt mới, nhánh tuyến, tăng cường kết nối mạng lưới giữa các khu đô thị và khu vực dân cư. Từ đó, nâng cao hiệu quả khai thác phục vụ Nhân dân trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng, đảm bảo được các mục tiêu và yêu cầu của TP đã đề ra.

Transerco sẽ tiếp tục mở rộng phục vụ, đưa xe buýt về các xã.
"Xóa vùng trắng" xe buýt
Transerco cho biết, giai đoạn từ năm 2016 - 2019, đơn vị đã mở mới 33 tuyến buýt, mở rộng thêm 15 nhánh trên các tuyến hiện có nhằm mở rộng vùng phục vụ đến các huyện phía Tây, Tây Nam TP như Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Các tuyến mở mới trong giai đoạn này hoạt động an toàn, ổn định, sản lượng hành khách tăng dần theo thời gian, như tuyến 103, 108 được đông đảo người dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Tính đến thời điểm tháng 9/2017, Tổng công ty đã hoàn thành mục tiêu “xóa vùng trắng” xe buýt có trợ giá tại các huyện ngoại thành của Hà Nội.
Thời gian tới, Transerco tiếp tục rà soát, tính toán mở mới các tuyến buýt đến những xã chưa có xe buýt phục vụ bằng phương tiện có kích cỡ phù hợp hoặc khi hệ thống đường sá ở các địa phương nơi đây đủ điều kiện vận hành xe buýt an toàn.
Để đạt mục tiêu xe buýt đáp ứng từ 16 - 18% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 25%, giai đoạn này, dự kiến mở mới từ 90 - 100 tuyến buýt; trong đó, có 10 tuyến phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân.
Số phương tiện phát triển mới trong giai đoạn này từ 1.600 đến 1.800 xe, nâng tổng số phương tiện hoạt động buýt lên 3.400 - 3.800 xe, trong đó, tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt 15 - 20%. Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt (gồm buýt thường và BRT) đạt từ 16% đến 18% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hằng năm trong giai đoạn 2020 - 2025 vào khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng/năm.
Dự kiến mở 60 - 70 tuyến
Trong giai đoạn 2026 - 2030, Transerco dự kiến tổng số tuyến mở mới sẽ từ 60 đến 70 tuyến (12 - 14 tuyến/năm), nâng tổng số tuyến buýt toàn TP lên 280 - 300 tuyến. Số phương tiện phát triển mới đạt 1.500 - 1.700 xe, tổng số đoàn phương tiện hoạt động buýt đạt từ 5.000 - 5.300 xe, trong đó, tỷ lệ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đến năm 2030 đạt trên 25%. Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt đạt từ 22 - 25% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hằng năm giai đoạn 2026 - 2030 vào khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm.
Số tuyến đường có bố trí làn ưu tiên cho xe buýt được phát triển mới là 8 tuyến, nâng tổng số tuyến đường có làn ưu tiên cho xe buýt lên 21 với tổng số ki lô mét đường ưu tiên đạt trên 250km; xây dựng và hình thành 8 điểm trung chuyển cho xe buýt tại các trục giao thông cửa ngõ Thủ đô, ở các khu vực ngoài Vành đai 3,5; phát triển thêm từ 1.200 - 1.300 điểm dừng và 20 - 30 điểm đầu cuối phục vụ các tuyến mở mới.
Vi mục tiêu đưa xe buýt về với các xã, theo đại diện Transerco cho biết, qua khảo sát hiện tại các tuyến đường liên xã vào các huyện trong TP hiện nay đều đang có mặt cắt đường hẹp. Đơn cử như huyện Phú Xuyên, với vị trí, địa lý thuận lợi nên có nhiều điều kiện để xe buýt về gần với người dân hơn, đã có 60km trong gần 100km đường giao thông trên địa bàn huyện có xe buýt phục vụ có 8 tuyến xe buýt hoạt động với 636 lượt xe/ngày, 17/27 xã và thị trấn đã có xe buýt trợ giá phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 10 xã (gồm Quang Trung, Hoàng Long, Chuyên Mỹ, Châu Can, Khai Thái, Nam Triều, Quang Lãng, Tri Trung, Văn Hoàng, Vân Từ) hiện chưa có xe buýt phục vụ.
"Trong thời gian tới, Transerco tiếp tục rà soát, tính toán, sau đó sẽ báo cáo các sở, ngành liên quan và UBND TP Hà Nội các phương án phù hợp nhằm điều chỉnh, mở mới các tuyến buýt đến các xã chưa có xe buýt phục vụ bằng các phương tiện có kích cỡ nhỏ phù hợp, hoặc khi hệ thống đường xã ở các địa phương nơi đây đủ điều kiện vận hành xe buýt an toàn" - đại diện Transerco cho biết.