Vui mừng khi con được hỗ trợ học phí
Sau khi sinh con, cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng chị Nông Thị Kiều (ở tỉnh Cao Bằng) đã mang con xuống Hà Nội tìm việc làm. Họ được nhận vào làm công nhân tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Hà Nội (Khu Công nghiệp Quang Minh-huyện Mê Linh); không ai trông con, họ gửi con vào Trường Sao Mai Kít Ty trên địa bàn.
Mức thu nhập của công nhân không cao, lại thêm nuôi con nhỏ học trường tư thục nên mọi chi tiêu chị đều phải tính toán chi li. Rồi niềm vui đến bất ngờ khi chị được cô giáo thông báo, hướng dẫn làm thủ tục để nhận hỗ trợ của TP Hà Nội vì con chị là đối tượng thuộc diện ưu tiên ở vùng III (dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa).
"Em cảm thấy rất bất ngờ và rất vui vì nhận được sự quan tâm của TP. Số tiền này em sẽ dành ra để mua thêm sữa, đồ ăn cho con" - chị Nông Thị Kiều bày tỏ.
Cùng với con của chị Kiều, năm 2024 còn có 18 trẻ là con công nhân học mầm non ngoài công lập được Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh hỗ trợ học phí của học kì 2 năm học 2023-2024, với tổng tiền là trên 13 triệu đồng. Trong năm học 2024-2025, huyện vẫn đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ chính sách cho trẻ em theo quy định của Trung ương và TP.
Cùng chung cảm giác bất ngờ khi được cô giáo của con gọi đến làm thủ tục nhận hỗ trợ học phí, anh Nguyễn Tiến Đức - bố của bé Nguyễn Tiến Đạt (học ở Nhóm trẻ mầm non Gấu Mi Sa) chia sẻ, anh quê ở Phú Thọ, lấy vợ là người dân tộc thiểu số ở Sơn La. Do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng anh đã để con lớn ở lại quê và mang theo con nhỏ xuống Hà Nội để tìm việc làm. Cả hai vợ chồng đều làm tại Công ty Zongshen, Khu Công nghiệp Quang Minh nên họ chọn cách gửi con ở gần để tiện chăm sóc.
"Khi cho con học được một thời gian, tôi bất ngờ vì các cô thông báo làm thủ tục để nhận hỗ trợ học phí. Nhận được sự quan tâm của TP tới con công nhân, chúng tôi rất vui mừng và trân quý bởi cuộc sống khó khăn, mình giảm được phần nào thì quý phần đó. Sự quan tâm cũng khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn" - anh Nguyễn Tiến Đức chia sẻ.
Trên 9.900 lượt trẻ được hỗ trợ với số tiền 10,35 tỷ đồng
Những trường hợp công nhân có con được hỗ trợ học phí là một phần kết quả thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về Chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND TP Hà Nội quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP; Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND TP Hà Nội Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của TP Hà Nội.
Theo đó, trong thời gian qua để thực hiện nghị định của Chính phủ và nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, các cấp Công đoàn TP tiếp tục phối hợp với Phòng GD&ĐT quận, huyện rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền tới chủ cơ sở, giáo viên, người lao động, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có con gửi tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, TP. Đồng thời, hướng dẫn các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách hoàn thiện hồ sơ theo quy định để thụ hưởng chế độ hỗ trợ.
Kết quả theo báo cáo của 13 Công đoàn cấp trên cơ sở trên có địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp có đông công nhân, người lao động, trong năm học 2023-2024, đã có 25 cơ sở giáo dục mầm non được hỗ trợ số tiền 819,94 triệu đồng; có 931 lượt giáo viên được hỗ trợ 4.870,8 triệu đồng; có 9.906 lượt trẻ em được hỗ trợ 10,35 tỷ đồng.
Việc triển khai kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ với các cơ sở giáo dục mầm non, các giáo viên, trẻ em thuộc đối tượng ưu tiên này đã góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn; tạo niềm tin của công nhân, người lao động vào chính sách của Trung ương, TP; là tạo động lực để họ tiếp tục lao động, gắn bó với công việc.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học
Theo phụ lục 4 của Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND TP Hà Nội quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP quy định: hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên mầm non tại cơ sở dân lập, tư thục được cấp phép ở địa bàn có khu công nghiệp (trong đó giáo viên mầm non phải bảo đảm một trong các điều kiện là trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp).
Hỗ trợ trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục nêu trên và có cha hoặc mẹ (hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng) là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với trẻ em thuộc đối tượng nêu trên là 240 nghìn đồng/trẻ/tháng, tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/1 năm học; mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non là 1,2 triệu đồng/giáo viên/tháng (mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học, nhưng không quá 9 tháng/1 năm học.
Còn tại Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND TP Hà Nội quy định hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục thuộc cùng đối tượng nêu trên được hỗ trợ 1 lần trang bị cơ sở vật chất (đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT); hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em) với mức 20 triệu đồng/cơ sở có quy mô dưới 3 nhóm lớp; hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở có quy mô từ 3 nhóm lớp trở lên.