Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng lo lắng, hoang mang. Trước thực tế đó, Hà Nội ráo riết triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ thực phẩm “bẩn”

Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ phối hợp Công an phường Quảng An, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra, phát hiện gần 1.100kg chân móng giò, trên bao bì có ghi chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa.

Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ một đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Đường dây này bắt đầu từ một hàng quán ở cổng trường học. Sau đó, lực lượng công an đã lần theo dấu vết, tìm được 5-6 đầu mối và phát hiện kho hàng có chứa hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Đáng nói, qua thí nghiệm để xúc xích thu giữ được ngoài trời 7 ngày nhưng không bị ôi thiu, bốc mùi. Lực lượng chức năng nghi ngờ sản phẩm này có sử dụng formol để bảo quản xúc xích. 

Lực lượng chức năng phát hiện gần 1.100kg chân móng giò.
Lực lượng chức năng phát hiện gần 1.100kg chân móng giò.

Trước đó, hàng nghìn gói thực phẩm bao gồm chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ bị Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an quận Cầu Giấy, Phòng Cảnh sát giao thông quận phát hiện và thu giữ.

Điều tra, lực lượng liên ngành xác định, bên trong 20 thùng các tông chứa 900 gói xúc xích và 5.400 gói cánh gà ăn liền được các đối tượng thu mua trôi nổi trên thị trường. Sau đó, số thực phẩm này được bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, ki ốt bán đồ ăn vặt tại các khu vực có trường học, đông học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho hay, các sở, ngành đã có những chế tài xử phạt nặng các cơ sở vi phạm, tuy nhiên, các xã, phường còn xử phạt nhẹ, chưa đủ mức răn đe.

Hàng nghìn gói thực phẩm bao gồm chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ . Ảnh: Hoài Nam
Hàng nghìn gói thực phẩm bao gồm chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ . Ảnh: Hoài Nam

Trong khi, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng lớn nhưng số lượng người làm về công tác bảo đảm ATTP lại rất mỏng. Do đó, nếu chỉ làm theo kiểu “nay đến cửa hàng nọ, mai đến cửa hàng kia” thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” không thể xử lý hết được.

“Do đó, cách truyền thông hiệu quả nhất là người dân, chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Chúng ta cho người dân chụp hình ảnh và giao các địa phương, cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vi phạm. Khi người dân phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm ATTP hãy gửi thông tin cho lực lượng chức năng” - ông Kiên nhấn mạnh.

Cần sự phối hợp của người tiêu dùng

Đồng quan điểm, đại diện Công an Hà Nội cho hay, trong công cuộc đấu tranh bảo đảm ATTP, có bắt giữ, kiểm tra bao nhiêu nhưng công tác tuyên truyền không đẩy mạnh thì quản lý ATTP không mang lại hiệu quả cao.

“Qua kiểm tra, bắt giữ cho thấy, khi người dân không có cầu ắt sẽ không có cung, từ đó hạn chế việc kinh doanh buôn bán của các đối tượng hám lời. Do đó, chúng ta không dừng lại ở việc kiểm tra, đấu tranh, bắt giữ, hay cố gắng đi phát hiện mà công tác ATTP cần được đẩy mạnh tuyên truyền và triệt để; cần sự vào cuộc các sở, ban, ngành.

Với những cửa hàng bán ở dọc đường, cổng trường nếu không có giấy chứng nhận về ATTP,, chính quyền địa phương cần vào cuộc, kiên quyết đóng cửa, xử lý vi phạm” – đại diện Công an Hà Nội nêu rõ.

Chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ. Ảnh: Hoài Nam
Chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ. Ảnh: Hoài Nam

Đề cập đến vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, 60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Tình trạng buôn bán diễn ra ngay dưới lòng đường, vỉa hè, thấy công an thì chạy, không thấy lại ngồi.

Trong Đề án quản lý ATTP ở chợ, mỗi chợ truyền thống phải xây dựng được trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Đến nay, hơn 500 chợ trên địa bàn mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh, tỷ lệ rất thấp nên dẫn đến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm còn hạn chế.

“Qua thực tế kiểm tra cho thấy, các mặt hàng trái cây nhập khẩu về Việt Nam rất nhiều, thuốc bảo quản từ nguồn nhập khẩu cũng rất lớn. Điều này tác động rất lớn đến vấn đề ATTP và sức khỏe của người dân. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh tăng cường quản lý các cửa hàng trái cây” - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nêu giải pháp.

Để công tác bảo đảm ATTP đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội tập trung kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể (BATT) trường học và BATT khu công nghiệp và chế xuất.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP test nhanh mẫu thực phẩm tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP test nhanh mẫu thực phẩm tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Cùng với việc, Hà Nội kiểm soát ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh cổng trường học, TP tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Mặt khác, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Thời gian tới, TP triển khai một chiến dịch sâu rộng, bài bản về tuyên truyền và truyền thông trực diện các nhóm vấn đề tới từng nhóm đối tượng. “Chúng ta sử dụng các mạng công nghệ để lan tỏa, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, trực diện đến nhóm đối tượng với đầy đủ thông tin về tình hình ATTP để tự mỗi cá nhân phải bảo vệ mình” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm các sơ sở, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm ATTP. TP tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP theo kế hoạch được phê duyệt