Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai nhiều mô hình sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành giáo dục, tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đã nêu bật kết quả của ngành giáo dục Hà Nội; đồng thời nêu một số kiến nghị để nâng cao chất lượng.

Nhiều mô hình sáng tạo

Năm học 2023 - 2024, Hà Nội tiếp tục có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.913 trường học các cấp, tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước, gần 2,3 triệu học sinh, 130.000 giáo viên.

Quy mô giáo dục Hà Nội lớn nhất cả nước.
Quy mô giáo dục Hà Nội lớn nhất cả nước.

Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT được tăng cường, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Từ tháng 7/2024 - 7/2025, Sở đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP thông qua 9 Nghị quyết tại các Kỳ họp của HĐND TP.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Ngành GD&ĐT Thủ đô đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh TP năm nay tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11), trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên cả nước, là kết quả cao nhất trong 5 năm qua.

Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, Hà Nội có 2 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic môn sinh học và Huy chương Vàng Olympic môn hóa học năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: Năm qua, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều mô hình sáng tạo và cơ chế đặc thù, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. TP triển khai thí điểm mô hình trường học tiên tiến hiện đại có nhiều cấp học với diện tích từ 5ha trở lên; thí điểm ban hành nghị quyết giá dịch vụ giáo dục, làm cơ sở chuyển từ giao dự toán sang cơ chế đặt hàng để thực hiện lộ trình tự chủ với các trường học.

Chương trình “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” do UBND TP triển khai thực hiện đã được các quận, huyện, thị xã và các nhà trường hưởng ứng tích cực, góp phần thu hẹp chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành.

Công tác chuyển đổi số và công nghệ thông tin được Hà Nội triển khai mạnh mẽ. Đến nay, các trường tiểu học triển khai học bạ số với gần 100% học sinh. Công tác tuyển sinh trực tuyến được triển khai tích cực; cấp THPT đạt 100%, các cấp học khác trên 80%. TP cũng chỉ đạo xây dựng kho học liệu điện tử toàn ngành giáo dục và các phần mềm ứng dụng hỗ trợ dạy và học. Đặc biệt, TP đã chỉ đạo ôn thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên nền tảng HanoiOn và hỗ trợ tích cực các tỉnh ôn thi. Cùng với đó, ngành giáo dục mở rộng mối quan hệ hợp tác giáo dục với các tỉnh thành trên cả nước và một số nước trên thế giới.

Cần rà soát, đánh giá lại định mức biên chế giáo dục

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, ngành giáo dục Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc. Thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành một số nội dung cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu tham luận tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu tham luận tại hội nghị từ điểm cầu UBND TP Hà Nội.

Thứ nhất, về biên chế giáo viên. Hiện quy mô giáo dục Hà Nội tăng mạnh hàng năm; do yêu cầu công việc dẫn đến định mức biên chế thiếu. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và các bộ rà soát, đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt cơ cấu về một số môn học đặc thù để phù hợp với công tác giảng dạy hiện nay tại các địa phương trên cơ sở ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

Thực hiện Luật Giáo dục Đại học, trong đó có quy định: UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ và kiểm tra chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 120 trường ĐH, CĐ của các bộ ngành, hơn 1 triệu sinh viên, ngoài ta còn có các cơ sở giáo dục của nước ngoài. Do vậy, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT chỉ đạo rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của các địa phương với các mô hình giáo dục này để phù hợp với thực tế để các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ.

Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2025; trong đó Điều 22 quy định rất cụ thể về giáo dục và đào tạo với các cơ chế chính sách đặc thù đối với Thủ đô. Hà Nội đang tích cực cụ thể hoá để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống nên rất mong các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn Hà Nội để TP triển khai thực hiện.

Hiện Hà Nội thực hiện đẩy mạnh lộ trình tự chủ đối với các sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học trên địa bàn. Để đảm bảo việc ban hành triển khai các nội dung theo đúng quy định pháp luật và có cơ sở triển khai thực hiện theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của T.Ư, Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 14 về xây dựng thẩm định ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GD&ĐT để làm cơ sở cho các tỉnh thành triển khai thực hiện; Bộ tham mưu Chính phủ có quyết định thay thế Quyết định số 186 về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách trong lĩnh vực giáo dục.

Đối với danh mục dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ sửa đổi Quyết định số 43 về ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam làm cơ sở để các địa phương thực hiện phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 24 của Chính phủ quy định việc quản lý, trong đó có cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn.

 

Ngày 19/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 toàn ngành giáo dục. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh/TP với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư; các chuyên gia, nhà giáo lão thành, đại diện các cơ sở giáo dục.