Hà Nội: Trường tiểu học chú trọng phương án xử lý F0 trong diễn tập

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo kế hoạch, chỉ còn 3 ngày nữa Hà Nội sẽ tổ chức cho học sinh tiểu học, lớp 6 tại 12 quận đi học trực tiếp. Mọi tình huống đều được đặt ra, trong đó các trường tiểu học chú trọng nhất đến phương án xử lý khi có F0 và khoanh vùng F1.

Các phương án xử lý khi có F0

Ngày 17 và 18/2, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP đã tổ chức diễn tập công tác đón học sinh trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến. Kế thừa sáng tạo những kinh nghiệm của cấp THPT, THCS, kế hoạch, phương án tổ chức học tập; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… đã được các trường tiểu học chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học. Cùng việc xây dựng chặt chẽ công tác chuyên môn, trong lần tổ chức cho học sinh đi học lần này, tình huống xử lý khi có F0 và khoanh vùng F1 được các trường đặt ra trực diện và quan tâm hàng đầu. Phát hiện F0 khi đo thân nhiệt; khi đang học hoặc nhận được tin báo học sinh là F0 sau khi đã về nhà, trường học và giáo viên chủ nhiệm sẽ có quy trình xử lý như thế nào; khoanh vùng, xác định F1, phân luồng, cách ly, sử dụng kit test ra sao để đảm bảo hợp lý, hiệu quả…. là những nội dung được nhấn mạnh trong công tác diễn tập và tuyên truyền tại các trường tiểu học.

Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình diễn tập 5 tình huống khi học sinh trở lại trường
Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình diễn tập 5 tình huống khi học sinh trở lại trường

Buổi diễn tập điểm tại trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) tập trung xử lý 5 tình huống cơ bản, điển hình; trong đó có 3 tình huống liên quan đến công tác xác định ca nhiễm và nghi nhiễm. Với tình huống phát hiện học sinh có thân nhiệt cao tại cổng trường, giáo viên, nhân viên đo thân nhiệt liên hệ cán bộ y tế trực tại Phòng y tế nhà trường ra tiếp cận, hướng dẫn và đưa học sinh vào phòng cách ly 1, cho học sinh nghỉ ngơi, hỏi han tình trạng sức khỏe, trấn an tinh thần và đo thân nhiệt bằng nhiệt kế thủy ngân; nếu nhiệt độ vẫn cao thì thông báo gia đình kết hợp điều tra dịch tễ.

Đối với tình huống khi có phụ huynh báo xin phép học sinh nghỉ học vì nhiễm Covid 19, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt thông tin cụ thể qua điện thoại, động viên học sinh và gia đình học sinh là F0, đồng thời báo cáo ban giám hiệu nhà trường. Tại lớp, giáo viên chủ nhiệm tổ chức tiến hành xác định những học sinh trong lớp học có tiếp xúc gần để đánh giá nguy cơ cao (F1) và đề xuất ban giám hiệu thực hiện các giải pháp theo hướng dẫn mới của Liên ngành Y tế - Giáo dục.

Đối với tình huống khi phát hiện F0 tại trường, nhà trường chuẩn bị 3 phòng (1 phòng y tế dành cho những học sinh cần chăm sóc y tế mà không có dấu hiệu dịch tễ; phòng cách ly 1 dành cho học sinh có dấu hiệu ho, sốt nghi nhiễm Covid-19; phòng cách ly 2 dành cho những học sinh F0). Trong quá trình học tập trên lớp, nếu phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, mất vị giác, khứu giác, nghi nhiễm Covid-19, giáo  viên chủ nhiệm lớp sẽ tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ và báo cáo ban giám hiệu nhà trường.

Phòng GD&ĐT quận Hà Đông tổ chức công tác diễn tập đón học sinh tiểu học, lớp 6 tới trường với 7 tình huống giả định: Hướng dẫn, phân luồng giao thông khi phụ huynh đưa học sinh tới trường; Hướng dẫn học sinh vào trường, vào lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịch (trong đó có tình huống phát hiện học sinh thân nhiệt cao); hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập tại các lớp đảm bảo công tác phòng chống dịch; xử lý tình huống khi phát hiện F0 tại trường; xử lý tình huống khi có học sinh nghỉ học vì nhiễm Covid 19; hướng dẫn học sinh ra về và kết thúc buổi học; đảm bảo công tác phân luồng giao thông khi học sinh tan học. 7 tình huống trên tương ứng với quy trình đón học sinh học tập tại trường mà các trường THCS trên địa bàn đã thực hiện 10 ngày qua.

Cùng chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm

Buổi diễn tập điểm về công tác đón học sinh trở lại trường do các UBND các quận phối hợp với phòng GD&ĐT các đơn vị tổ chức có sự tham gia của 100% hiệu trưởng, cán bộ quản lý, nhân viên y tế và đại diện giáo viên các trường tiểu học trên nhiều địa bàn tham dự để lĩnh hội, học hỏi và về triển khai tại trường mình.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, nội dung diễn tập giúp nhà trường làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường từ 21/2 tới đây. Cùng với đó, trường chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1 tại nhà trường, đảm bảo an toàn và thực hiện mục tiêu kép vừa dạy học vừa phòng, chống dịch hiệu quả, hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động của nhà trường.

Công tác xử lý tình huống có F0 và khoanh vùng F1 trong trường học đặc biệt được quan tâm
Công tác xử lý tình huống có F0 và khoanh vùng F1 trong trường học đặc biệt được quan tâm

Sau buổi diễn ra tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), ban giám hiệu của 28 trường tiểu học trên địa bàn đã ngồi lại để cùng nhau rút kinh nghiệm; nêu thắc mắc (nếu có), nhận giải đáp và chia sẻ kinh nghiệm; trên cơ sở đó để công tác đón học sinh trở lại trường vào tuần tới sẽ được thực hiện an toàn, tránh lúng túng trong những tình huống cụ thể.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, với chủ trương cho học sinh tiểu học, lớp 6 trở lại trường thì từ ngày 21/2, quận Hà Đông có khoảng 60.000 học sinh đến lớp. Công tác chuẩn bị điều kiện và kế hoạch dạy học đã được các trường sẵn sàng. “Qua 10 ngày tổ chức cho cấp THCS đến trường, phòng GD&ĐT quận đã có buổi họp và rút ra các nhóm kinh nghiệm. Đại diện ban giám hiệu khối THCS đã tham gia công tác diễn tập với khối tiểu học; đồng thời nêu và chia sẻ với các nhà trường để chủ động xử lý trong mọi tình huống xảy ra khi học sinh đến trường”- bà Phạm Thị Lệ Hằng chia sẻ.

Cũng theo Trường phòng GD&ĐT quận Hà Đông, phương án học sinh bị F0, F1 sẽ duy trì việc học như thế nào; giáo viên F0, F1 hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine sẽ đảm trách việc lên lớp ra sao… đều được hướng dẫn kỹ lưỡng; qua đó cũng đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của các nhà trường trong công tác vận dụng, tổ chức và thực hiện.

Một yếu tố không thể không nhắc đến trong việc tổ chức cho học sinh đi học ở giai đoạn đầu tiên, đó là sự phối hợp, ủng hộ của phụ huynh. Các phần việc như: Thực hiện nghiêm 5K, kiểm tra sức khỏe của con hàng ngày và trước giờ đi học; quản lý, chăm sóc con; trung thực về tình hình dịch tễ; duy trì mối liên hệ với giáo viên, nhà trường… của phụ huynh là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, sự tận tâm, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, ý thức của học sinh... cũng là những yêu cầu quan trọng góp phần quyết định  sự ổn định, an toàn, hiệu quả của công tác dạy và học trực tiếp.

 

Sớm có hướng dẫn về xét nghiệm trong trường học

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỉ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng mạnh khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Các trường học vẫn còn tình trạng khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý, cách ly F0, F1 dài ngày.... Do vậy, các địa phương kiến nghị sớm thống nhất quy trình xác định F1, rút ngắn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học. Các địa phương cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn và thống nhất về việc xét nghiệm sàng lọc học sinh khi tới lớp; có sổ tay chăm sóc, điều trị cho học sinh bị nhiễm Covid-19; đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn trong điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ mắc Covid-19 để tạo sự an tâm cho phụ huynh và đồng thuận trong dư luận xã hội…