Hà Nội truyền thông nguy cơ sức khỏe cộng đồng, thay đổi hành vi lối sống

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND về truyền thông nguy cơ sức khỏe Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, Kế hoạch truyền thông nguy cơ sức khỏe Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện với 9 mục tiêu, hoạt động chính:

Trong đó, tăng cường truyền thông vận động đến cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp nhằm đạt được sự cam kết, ủng hộ và sự đồng thuận trong việc thực thi các văn bản pháp quy liên quan đến dự phòng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe.

Tăng cường truyền thông huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức và người có uy tín trong cộng đồng và phối hợp liên ngành trong dự phòng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe.

Bác sĩ  thăm khám bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Trần Thảo
Bác sĩ  thăm khám bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Trần Thảo

Nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và nhân viên y tế về nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm và tăng cường thực hiện hành vi phòng bệnh.

Nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về nguy cơ đối với sức khỏe từ những hành vi lối sống không lành mạnh và tăng cường thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe để nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, ung thư.,.)

Nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất và người kinh doanh thực phẩm về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh thực phẩm và tăng cường thực hiện hành vi an toàn trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm.

Nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và nhân viên y tế về nguy cơ ảnh hưỏng tới sức khỏe do thiên tai (bão, lũ, hạn hán...) và tăng cường hành động phối hợp ứng phó nhằm hạn chế hậu quả đối với sức khỏe.

Nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và nhân viên y tế về nguy cơ ảnh hưởng tói sức khỏe do thảm họa (ngộ độc, cháy nổ tai nạn lao động, tai nạn giao thông...) và tăng cường hành động dự phòng và xử trí tai nạn, thương tích.

Tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới truyền thông về sức khỏe nhằm đáp ứng yêu cầu truyền thông về các nguy cơ sức khỏe, dự phòng và ứng phó với các nguy cơ đó.

Tăng cường thực hiện nâng cao năng lực về truyền thông nguy cơ cho mạng lưới truyền thông về sức khỏe nhằm đáp ứng yêu cầu truyền thông về các nguy cơ sức khỏe, dự phòng và ứng phó với các nguy cơ đó.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển  khai thực hiện, chỉ đạo, phối hợp liên ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch truyền thông nguy cơ sức khỏe TP Hà Nội.

Truyền thông cho các cấp chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và ưu tiên phân bổ kinh phí hàng năm để đạt được các mục tiêu sức khỏe ở từng địa phương trên cơ sở các mục tiêu sức khỏe của TP.

Các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông về vai trò, trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động của Kế hoạch truyền thông nguy cơ sức khỏe TP.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương vận động thực hiện giải pháp đảm bảo thực hiện các chính sách, quy định về kiểm soát yếu tố nguy cơ, thúc đẩy yếu tố tăng cường sức khỏe và phòng, chống bệnh tật. Bao gồm: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Trẻ em; Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.