Hà Nội: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong phòng chống dịch và chỉ đạo điều hành

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời hiệu quả, Văn phòng UBND Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố...

Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Trước tình hình diễn biết hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố, để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời hiệu quả nhằm hạn chế tối đa nguồn lây lan và bùng phát dịch bệnh Covid-19, Văn phòng UBND Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 Người dân quét mã QR tại chợ Hàng Bè, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn phòng UBND Thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai sâu rộng việc sử dụng các ứng dụng như: PC-Covid, Bluezone, nền tảng tiêm chủng, nền tảng QR và khai báo y tế điện tử, chuyên trang của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Bản đồ số kiểm soát dịch bệnh; phần mềm quản lý cá nhân, tổ chức ra vào trụ sở UBND Thành phố...
Ngày 24/7/2021, Thành phố đã thành lập Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 trên phạm vi toàn Thành phố, từ Thành phố tới các sở ngành, quận huyện, và tới 579 xã, phường, thị trấn kết nối liên thông với Chính phủ, nhằm kịp thời thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn Thành phố, thực hiện chuyển toàn bộ hình thức họp trực tiếp sang hình thức họp trực tuyến đảm bảo việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch từ Sở Chỉ huy Thành phố tới các sở ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác và thống nhất trong chỉ đạo thực hiện.
Việc Thành phố sớm thành lập Sở Chỉ huy các cấp đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các cấp.
Đây được coi là giải pháp sáng tạo của Thành phố trong công tác phòng, chống dịch để các tỉnh, thành phố nghiên cứu triển khai áp dụng trên phạm vi cả nước góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và sớm đưa nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới đó là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đồng thời đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.
Toàn Thành phố hiện duy trì 689 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến, gồm 110 điểm cầu tại các sở, ban, ngành và UBND cấp quận, huyện và 579 điểm cầu UBND cấp xã.
Hệ thống giao ban trực tuyến Thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo hoạt động liên tục vận hành phục vụ các tổ chức, các hội nghị của lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố.
Tính đến nay, đã có hơn 2.118 cuộc họp trực tuyến phục vụ các cơ quan, đơn vị trong Thành phố, riêng năm 2021 là 1.188 cuộc họp trực tuyến, trong đó: Họp trực tuyến giữa UBND cấp quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn trực thuộc là 884 cuộc họp, Họp trực tuyến giữa UBND Thành phố với Sở, Ban, ngành, quận, huyện trong Thành phố là 177 cuộc họp (Trong đó: Riêng cuộc họp của Sở Chỉ huy Thành phố về Phòng chống dịch Covid-19 tính từ ngày 24/7/2021 là 42 cuộc họp, chiếm tỉ lệ: 23,7%), Họp Chính phủ và bộ ngành có 95 cuộc họp...
Việc Hệ thống giao ban trực tuyến hoạt động hiệu quả đã góp phần giải quyết công việc tại các cấp, các ngành trong Thành phố được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố, các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn ra phức tạp trên địa bàn Thành phố.

Văn phòng UBND Thành phố đã phối hợp, triển khai hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc tăng cường điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử;

Tổ chức thực hiện kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa ứng dụng quản lý văn bản và điều hành nội bộ của một số cơ quan, đơn vị với trục liên thông văn bản quốc gia thông qua nền tảng gửi, nhận văn bản điện tử tập trung của Thành phố nhằm đảm bảo tiếp nhận các văn bản điện tử gửi từ các cơ quan Trung ương đến các cấp, các ngành của Thành phố.
Kết quả tính đến nay tổ chức gửi 4.426 văn bản điện tử của UBND Thành phố tới các cấp, các ngành trong và ngoài Thành phố đạt tỉ lệ 100%; tiếp nhận, xử lý hơn 12.657 văn bản điện tử của các cơ quan Trung ương (trong đó, tiếp nhận 1.880 văn bản điện tử từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ);
Các cơ quan đơn vị trực thuộc Thành phố gửi 2.414 văn bản điện tử tới các bộ, ngành Trung ương; 100% các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thuộc Thành phố đã thực hiện trao đổi gửi nhận văn bản điện tử có chữ ký số trên môi trường điện tử; tỷ lệ sử dụng ký số trên 90%; tỷ lệ văn bản được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 96%.
Triển khai các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố
Ngay từ tháng 6/2021, Văn phòng UBND Thành phố đã tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Thành phố cho phép triển khai Hệ thống Văn phòng điện tử nhằm đưa Hệ thống trở thành công cụ giúp việc, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố tới các cấp, các ngành thuộc Thành phố; Kiểm soát được công việc một cách khoa học, chặt chẽ đảm bảo rõ người, rõ việc qua đó nâng cao chất lượng tham mưu và tốc độ xử lý công việc;
Đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan Văn phòng trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Toàn bộ các phiên họp Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 kết nối Sở chỉ huy thành phố tới các xã, phường được họp dưới thình thức trực tuyến
Kết quả trong năm 2021, Văn phòng đã tổ chức tiếp nhận hơn 85.579 văn bản, trong đó: Tổ chức tiếp nhận từ Trung ương là 16.672 văn bản; từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố 68.907 văn bản; Tổ chức xử lý và phát hành hơn 32.369 văn bản, trong đó có 4.718 văn bản điện tử có chữ ký số được phát hành tới các cơ quan Trung ương và các địa phương ngoài Thành phố thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hơn 27.641 văn bản tới các cấp, các ngành thuộc Thành phố.
Tổ chức triển khai xử lý, phát hành văn bản thông qua Hệ thống văn phòng điện tử mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi thực hiện chế độ làm việc dãn cách trong tình hình dịch bệnh qua đó tỷ lệ hồ sơ, văn bản hoàn thành đúng hạn của các phòng, ban, đơn vị thuộc Văn phòng trên hệ thống luôn đạt trên 96%.
Bên cạnh đó, để kiểm soát tốt tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố tới các cấp, các ngành trong Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố đã duy trì và phát huy hiệu quả Hệ thống Quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao nhằm triển khai thực hiện tốt Quyết định số 202/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của UBND Thành phố về Quy chế theo dõi đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao đến các cấp, các ngành trực thuộc Thành phố.
Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm soát khâu tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Thành phố; thực hiện theo dõi, đôn đốc, thống kê tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Quy chế làm việc của UBND Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 và Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố.
Đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu về các nhiệm vụ UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số. Tính đến nay, đã có 76.080 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tường Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố giao được quản lý và theo dõi trên hệ thống; tỉ lệ cập nhật thông tin hoàn thành nhiệm vụ trên hệ thống đạt tỉ lệ trên 96%.
Để tiếp tục phát huy tốt những kết quả đã đạt được nêu trên, trong thời gian tới Văn phòng UBND Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, ứng dụng Công nghệ thông tin vào tất cả các khâu tham mưu, xử lý công việc tại Văn phòng UBND Thành phố và đây được coi là khâu đột phá, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu cũng như công tác chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nhanh chóng, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả tạo động lức thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại cơ quan Văn phòng UBND Thành phố nhanh chóng và bền vững, tiến tới xây dựng cơ quan Văn phòng UBND Thành phố (trung tâm đầu não) trong việc tham mưu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố) thông minh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tham mưu, đẩy mạnh thực hiện gửi, nhận và xử lý hồ sơ, công việc điện tử có ứng dụng chữ ký số trong môi trường điện tử, với mục tiêu sớm triển khai xây dựng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố, hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) hành chính cốt lõi phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đến các cấp, ngành trực thuộc.
Tiếp tục duy trì, vận hành, hạ tầng kỹ thuật tin học và hệ thống tin học của Văn phòng UBND Thành phố đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn và bảo mật thông tin theo quy định bao gồm: Hệ thống Văn phòng điện tử, Hệ thống Quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao, Hệ thống thử điện tử Thành phố, Hệ thống giao ban trực tuyến Thành phố, Hệ thống Đơn thử KNTC cấp Thành phố giải quyết.... nhằm phục vụ có hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố.
Tổ chức phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Thành phố xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung Thành phố như: Hệ thống Thông tin báo cáo tập trung Thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành có tích hợp, kết nối, chia sẽ thông tin với Chính phủ theo quy định, Hệ thống họp không giấy tờ Thành phố , ... đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố qua đó phát triển và hoàn thiện Chính quyền điện tử hướng tới mục tiêu hình thành Chính quyền số Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu kho lưu trữ điện tử tại Văn phòng UBND Thành phố nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Văn phòng UBND tra cứu, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, kịp thời phục vụ công tác tham mưu, xử lý công việc đồng thời tích hợp, chia sẽ thông tin dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trữ của Thành phố theo quy định.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chế tiếp nhận, xử lý, lưu trữ, phát hành văn bản điện tử và quản lý văn bản tại Văn phòng UBND Thành phố, trình UBND Thành phố ký ban hành theo quy định làm cơ sở để xây dựng, hiệu chỉnh, chuẩn hóa lại quy trình xử lý điện tử trên Hệ thống Văn phòng điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong xử lý công việc, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo UBND Thành phố.

Tiếp tục nghiên cứu đưa ứng dụng Công nghệ thông tin nhằm cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động tại Văn phòng UBND Thành phố đảm bảo công khai, minh bạch, đồng thời với việc tăng cường kiểm soát an, ninh đối với người ra/vào trụ sở UBND Thành phố, nhằm hạn chế tối đa nguồn lây lan dịch bệnh Covid-19 góp phần đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch tại cơ quan Văn phòng UBND Thành phố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần