Mực nước sông Đà giảm kỷ lục
Số liệu quan trắc trong đợt 1 lấy nước vụ Xuân 2023 cho thấy, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội tương đương mực nước các năm trước. Điều này bảo đảm cho các trạm bơm sau cải tạo, nâng cấp của TP có thể vận hành như: Trạm bơm dã chiến Phù Sa, trạm bơm Thanh Điềm, trạm bơm dã chiến Ấp Bắc…
Ngược lại, 2 trạm bơm chính thuộc hệ thống lấy nước từ sông Đà là trạm bơm Sơn Đà và trạm bơm Trung Hà gần như không thể vận hành. Sở dĩ vậy là bởi mực nước sông Đà tại 2 trạm bơm Sơn Đà và Trung Đà trong đợt 1 năm 2023 đều thấp hơn mực nước các năm trước, và thấp hơn mực nước thiết kế bể hút thấp nhất.
“Mực nước trên sông Đà trong các đợt 1 xả nước tăng cường từ hồ chứa thủy điện những năm gần đây có xu thế ngày càng giảm, nhưng năm 2023, mực độ giảm lớn nhất; mực nước trên sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội cũng có xu thế giảm nhưng mức độ giảm không nhiều...” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du đánh giá.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, lòng dẫn biến đổi, dẫn đến quá trình hạ thấp mực nước trên hệ thống sông Đà, sông Hồng trong mùa kiệt. Đáy sông Đà hạ thấp xuống theo từng năm do hiện tượng hút cát và biến đổi dòng chảy. Ứng với cùng một cấp lưu lượng trong thời gian diễn ra các đợt xả tăng cường, mực nước năm sau ngày càng thấp hơn năm trước.
Do hạ thấp lòng dẫn sông dẫn đến giảm chênh lệch mực nước giữa các điểm đo trên sông Đà, sông Hồng đoạn phía trên trạm thủy văn Hà Nội gây khó khăn trong công tác vận hành công trình thủy lợi lấy nước dọc sông của TP. Đáng lo ngại, mực nước sông Đà, sông Hồng trong các đợt xả tăng cường từ các hồ chứa thủy điện được nhiều chuyên gia dự báo tiếp tục xuống thấp hơn nữa.
Chống thất thoát nguồn nước
Trong bối cảnh nguồn nước khó khăn, Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp thủy lợi tranh thủ mực nước sông Hồng còn tốt sau đợt xả đầu tiên; tích cực vận hành hệ thống công trình dọc sông để lấy nước, trữ nước vào hệ thống kênh tiêu, ao, đầm, vùng trũng để phục vụ làm đất, đổ ải…
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Trần Đình Toàn cho biết, những ngày qua hàng chục trạm bơm dọc sông Hồng vẫn được đơn vị chỉ đạo cán bộ, công nhân vận hành 24/24 giờ. Công tác ứng trực tiếp tục được duy trì trong suốt quá trình chống hạn vụ Xuân 2023.
Với sự chủ động của ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp thủy lợi, đến nay, toàn TP đã có hơn 15% diện tích sản xuất vụ Xuân 2023 có nước; cơ bản bảo đảm mục tiêu theo tiến độ, kế hoạch. Một số địa phương có tỷ lệ lấy nước đạt cao như Ứng Hòa đã lấy đủ nước cho khoảng 45% diện tích; tiếp đến là các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Mỹ Đức…
Để bảo đảm nguồn nước gieo cấy vụ Xuân 2023 cho bà con, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục vận hành công trình đưa nước lên ruộng trong thời gian trước đợt 2 nếu điều kiện nguồn nước cho phép. Chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo có giải pháp nâng cao mực nước sông Đà tại trạm bơm Trung Hà trong đợt 2 đạt trên +7,80m để tạo điều kiện vận hành trạm bơm ổn định. Đồng thời, xem xét kéo dài thời gian lấy nước đợt 2 thêm từ 3 - 5 ngày, hoặc bổ sung đợt 3 xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện, để bảo đảm mục tiêu cấp nước sản xuất cho Hà Nội và các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
“Trong đợt 1 lấy nước vụ Xuân 2023, trạm bơm dã chiến Bá Giang vận hành hết sức khó khăn do máy móc đã xuống cấp. Đây là công trình lấy nước rất quan trọng cho hơn 10.000ha thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm… Chính vì vậy, kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thay thế các tổ máy của trạm bơm này để bảo đảm năng lực vận hành…”
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường