Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Vẫn nhiều khó khăn trong kết nạp đảng viên là học sinh THPT

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác phát triển đảng viên trong học sinh THPT tại Hà Nội những năm gần đây đã đạt nhiều kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, tỷ lệ phát triển đảng viên là học sinh THPT còn thấp so với nguồn bồi dưỡng giới thiệu kết nạp  Đảng và chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng của các trường THPT tại TP Hà Nội...

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu (bên trái) trao Quyết định kết nạp đảng viên cho 2 học sinh lớp 12 tại trường THPT Trương Định. (Ảnh: Đông Hùng)
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu (bên trái) trao Quyết định kết nạp đảng viên cho 2 học sinh lớp 12 tại trường THPT Trương Định. (Ảnh: Đông Hùng)

Tỷ lệ phát triển đảng viên là học sinh THPT còn thấp

Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc, thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới”, thời gian qua các cấp ủy đảng trực thuộc và các đơn vị liên quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội cũng như các quận/huyện và các trường trên địa bàn TP, sau gần 1 năm thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ phát triển đảng viên là học sinh THPT còn thấp so với nguồn bồi dưỡng giới thiệu kết nạp đảng và chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng của các trường THPT tại TP.

Nội dung, kế hoạch mở lớp bồi dưỡng kết nạp đảng ở một số cấp ủy còn hạn chế, chưa phù hợp với nhóm đối tượng học sinh THPT; còn dàn trải, chất lượng chưa cao. Việc rà soát nguồn và tạo nguồn đối tượng kết nạp Đảng ở một số nơi chưa thực sự được quan tâm; chưa có chiều sâu, còn làm theo hình thức, thụ động.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quán triệt về công tác kết nạp đảng viên có nội dung còn hình thức, chưa tạo được sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường. Việc phát động các phong trào thi đua tại một số trường học chưa thực sự hiệu quả, thiếu sân chơi, môi trường cho học sinh tu dưỡng, rèn luyện và thể hiện năng lực, khó khăn trong công tác phát hiện nguồn bồi dưỡng, két nap vào Đảng.

Việc phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ đối tượng cảm tình Đảng của một số tổ chức đảng chưa cụ thể, rõ ràng. Đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ quần chúng chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm, chưa thực sự gắn bó với học sinh.

Nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức của một số ít cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế nên chưa thực sự coi trọng việc kết nạp Đảng trong học sinh THPT là nhiệm vụ trọng tâm; chưa có các giải pháp cụ thể, phù hợp. Công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao, nhất là việc vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Một số tổ chức đảng trong nhà trường còn tuyệt đối hóa về tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện khắt khe hoặc áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện ở một số trường chuyên vào trường không chuyên không phù hợp với đặc thù của nhà trường đã làm hạn chế cơ hội của các em học sinh THPT đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một số tổ chức cơ sở Đoàn chưa chủ động trong việc tham mưu với cấp ủy nhà trường giới thiệu những học sinh là đoàn viên ưu tú bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng.

Quang cảnh Hội nghị tọa đàm công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ TP Hà Nội do Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội phối hợp Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Quang cảnh Hội nghị tọa đàm công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ TP Hà Nội do Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội phối hợp Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.

Đưa chỉ tiêu kết nạp Đảng vào chỉ tiêu thi đua của các trường

Tại Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, lãnh đạo các quận/huyện và các trường đều cho rằng, khó khăn trong thực hiện phát triển đảng viên là học sinh THPT trên địa bàn TP hiện nay do nguồn quần chúng là học sinh để xem xét kết nạp đông nhưng số đủ điều kiện, tiêu chuẩn về độ tuổi chiếm tỷ lệ thấp (đủ 18 tuổi tính theo tháng). Tâm lý của nhiều phụ huynh chưa muốn con tham gia vào nhiều hoạt động của nhà trường cũng như dành thời gian đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng để tập trung cho việc học tập thi cuối cấp.

Bên cạnh đó, việc đăng ký xem xét học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đa số là học sinh lớp 12 nên chưa bố trí được thời gian học do phải tập trung cho việc học tập. Các học sinh THPT đang trong giai đoạn phát triển và hình thành tính cách nên dễ thay đổi tâm, sinh lý; nhận thức về Đảng chưa thực sự sâu sắc, còn có nhiều thay đổi.

Việc chuyển tiếp quần chúng ưu tú trong diện cảm tình đảng tại các trường về địa phương và các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất cập. Việc sinh hoạt đảng của học sinh tại các chi bộ nhà trường nhiều nơi chưa được quan tâm. Nhiều nội dung sinh hoạt chi bộ ngoài nhiệm vụ học tập của học sinh, nên có những bất cập nhất định…

Là trường điển hình về kết nạp đảng viên là học sinh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương cho rằng, một trong những bài học kinh nghiệm cần thiết là phải phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong công tác định hướng, giáo dục lý tưởng, chính trị, nhận thức về Đảng cho học sinh. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ giáo viên chủ nhiệm theo sát kết quả học tập và rèn luyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng cho các em phấn đấu.

 

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 281 trường THPT, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên với tổng số 299.167 học sinh. Đến nay có 19 đảng bộ quận, huyện, thị xã đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT.

Nổi bật trong việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) Lê Xuân Trung cho biết, ngoài việc bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy, từ khi học sinh bước vào lớp 10, nhà trường đã rất chú trọng đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Đồng thời, phát hiện và định hướng cho những học sinh có tố chất tốt, nổi trội, xuất sắc, tiêu biểu, gương mẫu, có sự lan tỏa tích cực trong các phong trào thi đua, học tập, hoạt động của chi đoàn, Đoàn trường để  học sinh xác định được mục tiêu phấn đấu trong suốt quá trình học tập, rèn luyện 3 năm tại trường.

Ngoài ra, nhà trường đã phân công đảng viên chính thức phối hợp Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức chính trị - xã hội trong trường theo dõi để giúp đỡ, uốn nắn, dẫn dắt học sinh, để từ đó kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp được những đảng viên trẻ chất lượng…

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho rằng, để phát triển Đảng trong các trường THPT tốt hơn thì bản thân các trường phải chủ động trong công tác này và xác định không chạy theo thành tích, số lượng. “Kinh nghiệm của quận Hoàng Mai là đưa chỉ tiêu kết nạp đảng vào chỉ tiêu thi đua của các trường và do vậy các trường kết nạp khá đều”- ông Nguyễn Xuân Phong chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, TP cần chỉ đạo các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác này. Cụ thể, cần phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Ngoại giao tạo thuận lợi cho các học sinh chuyển tiếp quá trình kết nạp Đảng khi đi du học; tạo điều kiện cho các học sinh sinh hoạt ghép trong quá trình chuyển tiếp vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT…