Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: "Vẽ màu" cho du lịch mùa Thu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trong tiết trời mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm với khí hậu dịu mát, cảnh sắc yên bình, lãng mạn. Vẻ đẹp này có nhiều tiềm năng để phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách chọn Hà Nội làm điểm đến cho các chuyến đi.

Thêm loạt sản phẩm du lịch mùa thu

Mùa Thu Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc, họa như một biểu trưng của cái đẹp, sự lãng mạn của một mùa trong năm. Xác định thế mạnh mùa "vàng" của du lịch Thủ đô, trong những năm gần đây, doanh nghiệp du lịch Hà Nội đã hình thành nhiều dòng sản phẩm thu hút du khách.

Thông tin từ Công ty CP Flamingo Redtours cho thấy, đơn vị vừa đưa ra thị trường 4 sản phẩm du lịch mùa Thu Hà Nội thuộc các lĩnh vực  lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Cụ thể, tour Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh; Một thoáng châu Âu trong lòng Hà Nội; Hà Nội - 36 phố phường; Một ngày khám phá hồ Tây.

Du khách chụp ảnh Hà Nội mùa Thu vàng tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Du khách chụp ảnh Hà Nội mùa Thu vàng tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tăng cường hoạt động tuyên truyền du lịch mùa Thu Hà Nội. Trên website quảng bá du lịch của các đơn vị có nhiều gợi ý điểm đến như Hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, cầu Long Biên; những con đường lá vàng trên phố Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Diệu, cầu Long Biên, bãi đá sông Hồng… giúp du khách có những bức ảnh check-in đẹp vào mùa Thu.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp  còn phối hợp với các tỉnh bạn xây dựng tour liên tuyến như Hà Nội- khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang); Hà Nội- Tây Thiên- Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… qua đó kích cầu du lịch, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

 

Du lịch Hà Nội nên khuyến khích doanh nghiệp lữ hành phát triển các hoạt động trải nghiệm truyền thống như  Lễ hội rước đèn, Lễ hội Tết Trung thu… để du khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa nghìn năm của Hà Nội.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng

Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, năm nào vào thời điểm mùa Thu, đơn vị cũng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút du khách như Lễ hội Trung thu phố cổ, khám phá phố cổ bằng xe điện, hoạt động trải nghiệm không gian người Hà Nội xưa tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây…

Thực tế cho thấy, thời gian qua các khu, điểm du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới. Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thông tin, bên cạnh việc phát triển tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, đơn vị còn thiết kế khu vực “check-in” mới cho du khách ở cổng Đông, lầu Lục giác.

Du khách chụp ảnh Hà Nội mùa Thu vàng trên phố Phan Đình Phùng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hoài Nam
Du khách chụp ảnh Hà Nội mùa Thu vàng trên phố Phan Đình Phùng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hoài Nam

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Chu Ngọc Quân chia sẻ, để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch, đơn vị đang xây dựng kế hoạch triển khai nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm, như lễ hội hoa dã quỳ vào tháng 10, du lịch trải nghiệm kết hợp các môn thể thao như đạp xe, leo núi.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Mùa Thu là “đặc sản” của Thủ đô, nhưng để thu hút du khách đòi hỏi ngành du lịch xây dựng tour đặc trưng riêng. Giải bài toán này, theo các chuyên gia du lịch, Hà Nội cần phát triển thêm các sản phẩm như tham quan các làng nghề truyền thống, tour ẩm thực, tour văn hóa và lịch sử, thăm quan Hà Nội bằng xe xích lô, các show diễn hiện đại.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần tạo ra những tuyến phố chuyên bán những sản phẩm liên quan đến mùa thu như bánh, đồ chơi Trung thu, cốm … Qua đó mang lại trải nghiệm đa chiều cho du khách và tăng cường sự hấp dẫn của mùa thu ở Hà Nội.

Du khách chụp ảnh Hà Nội mùa Thu vàng tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Du khách chụp ảnh Hà Nội mùa Thu vàng tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

“Hà Nội có không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trần Nhân Tông có thể tạo thành các không gian, tuyến phố âm nhạc, phố thơ mùa Thu. Khu vực Hồ Tây với các đầm sen, các vùng hoa Tây Tựu… có thể xây dựng thành các không gian trải nghiệm mùa thu”- Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng hiến kế.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch,  Giám đốc Công ty Lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt  đề xuất Hà Nội nên xây dựng “Chiến dịch du lịch mùa Thu Hà Nội”, tập hợp sản phẩm du lịch mùa Thu của các doanh nghiệp thành chùm tour chuyên biệt dành riêng cho Hà Nội. Bên cạnh đó đẩy mạnh quảng bá, truyền thông hình ảnh du lịch mùa Thu tới du khách trong và ngoài nước. “Hà Nội nên tổ chức những sự kiện mùa Thu mang tính thường niên vào một thời điểm nhất định trong năm để hấp dẫn du khách, giống như Đà Nẵng có Festival pháo hoa, Hà Giang có lễ hội hoa tam giác mạch…” – ông Đạt gợi ý.

Du lịch Hà Nội quảng bá áo dài Hà Nội trong tiết trời Thu Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hoài Nam
Du lịch Hà Nội quảng bá áo dài Hà Nội trong tiết trời Thu Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin từ Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch sẽ tổ chức một số sự kiện liên quan đến mùa Thu Hà Nội như Lễ hội Quà tặng du lịch, Không gian giới thiệu Ẩm thực Hà Nội năm 2023,  Festival Thu Hà Nội với chủ đề "Thu Hà Nội - Đến để yêu" tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số quận, huyện. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội  2023 lần thứ 2, qua đó hướng sự kiện này trở thành hoạt động thường niên của ngành du lịch Thủ đô  mỗi khi mùa Thu đến. “Đây là một sự kiện có nhiều hoạt động kích cầu du lịch, thu hút Nhân dân và du khách đến với Thủ đô Hà Nội khi mùa Thu đến. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour đặc trưng mùa Thu Hà Nội”-bà Giang nhấn mạnh.