Hà Nội xây dựng mới 6 công viên: Giải cơn khát không gian vui chơi

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch của TP Hà Nội, từ nay đến năm 2025, TP sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên. Đây đều là những công viên đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư và đã thi công một số hạng mục...

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn đối mặt với tình trạng thiếu các công viên quy mô lớn, không gian vui chơi hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Trước thực trạng này, Nhân dân Thủ đô đang kỳ vọng vào kế hoạch của TP từ nay đến năm 2025, sẽ tập trung đôn đốc, giải quyết để hoàn thành 6 công viên với diện tích hàng trăm ha đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Khu vui chơi kiểu… hành xác

Cùng với xu hướng của cuộc sống hiện đại, vào các dịp nghỉ lễ, Tết, người dân Thủ đô trong những năm gần đây đã thiên về chơi nhiều hơn. Tuy vậy, việc xây dựng các khu công viên, tổ hợp vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại phục vụ đời sống tinh thần của người dân hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu.

Công viên Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Công viên Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tình trạng quá tải người trong các công viên Thủ Lệ, Yên Sở… vào những dịp nghỉ lễ như đợt 2/9 vừa qua đã kéo dài trong nhiều năm là minh chứng rõ ràng nhất về sự thiếu hụt không gian vui chơi công cộng tại Thủ đô.

Chị Vũ Vân Anh (trú tại quận Thanh Xuân) chia sẻ, vào các ngày nghỉ lễ dài ngày gia đình không dám đến những điểm du lịch vì sợ đông, nhưng ở Hà Nội cho con nhỏ vào công các công viên vui chơi như Thủ Lệ, Thiên đường Bảo Sơn cũng không khác gì đi… hành xác.

Trước thực trạng phát triển mất cân đối và để tạo không gian xanh cho người dân, từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch có mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù. Nhằm triển khai theo quy hoạch, năm 2016, hàng loạt dự án xây dựng công viên lớn được khởi công như công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy; công viên hồ Phùng Khoang…

Điển hình ngày 2/9/2016, Tập đoàn Sun Group động thổ xây dựng công viên Kim Quy quy mô lên tới 198ha theo mô hình Disneyland tại huyện Đông Anh. Công viên có quy mô lớn, hiện đại được đầu tư xây dựng kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

Tuy nhiên, sau nhiều năm hiện công viên này vẫn chỉ là những khu đất ngổn ngang với một vài hạng mục được xây dựng dang dở.

Tại phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội về đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn ngày 25/4/2022, Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Trúc Anh cho biết, công viên Kim Quy hiện không vướng về quy hoạch mà chủ yếu về GPMB. Dự án đã GPMB được 97%, 3% diện tích còn lại chính quyền địa phương đang phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thành sớm. Tuy nhiên, phần diện tích này gồm nhiều mộ phần nằm rải rác trên mặt bằng tổng thể dự án, gây khó khăn nhất định đến việc triển khai đồng bộ các hạng mục của công viên.

Không chỉ dự án công viên nằm ở khu vực ngoại thành chậm tiến độ mà cả những công viên nằm tại quận trung tâm, nơi có mật độ dân cư dày đặc, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân rất cao cũng ì ạch, thậm chí có công viên đã “treo” đến 20 năm như công viên văn hóa quận Đống Đa.

Hay công viên bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích trong nhiều năm như công viên Văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông. Và một nghịch lý, trong khi người dân Thủ đô luôn “khát” các không gian công cộng, nơi vui chơi thì vẫn có hàng trăm ha đất đã được quy hoạch làm công viên, hồ nước lại đang chậm tiến độ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng

Nhằm thực hiện chỉ tiêu "Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố" tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND TP đã ban hành Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kế hoạch, sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên, gồm: Công viên Chu Văn An, trên địa bàn huyện Thanh Trì, quy mô 50,93ha, do UBND huyện Thanh Trì đầu tư thực hiện; Công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, diện tích khoảng 31,7ha, do Cty CP đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng thực hiện, Công ty TNHH Phát triển công viên Trung tâm là doanh nghiệp dự án; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, diện tích 11,2ha, do Công ty TNHH VNT thực hiện; Công viên văn hóa Kim Quy, diện tích khoảng 101,09ha, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời; Công viên hồ Phùng Khoang, diện tích khoảng 11,8ha, do Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị thực hiện; Công viên văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, diện tích khoảng 96,7ha do UBND quận Hà Đông thực hiện.

Đây đều là những công viên đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư và đã thi công một số hạng mục. Về việc triển khai 6 công viên này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, đối với các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến GPMB, cấp phép đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Đối với hai dự án đầu tư công là công viên Chu Văn An, TP yêu cầu UBND huyện Thanh Trì hoàn thành thủ tục đầu tư thi công, hoàn thành công trình phục vụ Nhân dân. Về dự án công viên Văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP, UBND quận đã chủ động phối hợp với Sở QH - KT, Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, làm rõ nội dung công viên chuyên đề đối với diện tích 50,2ha đã GPMB để tham mưu báo cáo việc lập đề xuất dự án đầu tư công viên, vườn hoa phục vụ cộng đồng bằng nguồn vốn đầu tư công.

Ngoài các công viên trên, TP sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở KH&ĐT chủ trì cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hoặc căn cứ tình hình kinh tế - xã hội để đề xuất đầu tư công các công viên, vườn hoa thuộc danh mục xây dựng đợt đầu theo quy hoạch cây xanh.

Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều dự án xây dựng công viên, cây xanh quy mô lớn đã được TP đẩy mạnh đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội hạn chế nên việc phát triển hệ thống công viên, cây xanh đô thị của Hà Nội vì thế còn khiêm tốn.

Trao đổi về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, về định hướng lâu dài, quy hoạch đô thị Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh yếu tố “xanh”.

Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều dự án xây dựng công viên, cây xanh quy mô lớn đã được TP đẩy mạnh đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những sân chơi trên địa bàn TP vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu người dân và du khách, và chưa xây dựng được một khu vui chơi, giải trí ngang tầm khu vực.

Do đó, thời điểm này TP cần cần rà soát quyết liệt diện tích dành cho việc xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh các công viên lớn đang chậm tiến độ.

 

"Quy hoạch dù đã có nhưng do chủ đầu tư thiếu vốn hoặc một nguyên nhân nào đó nên chưa thực hiện được. Mặt khác, còn tình trạng không tôn trọng quy hoạch, không kiểm tra giám sát thường xuyên trong phát triển đô thị dẫn đến tình trạng nhiều công viên “ngủ quên” trong nhiều năm.

Khắc phục điều này, phải triệt để chống tham nhũng, lãng phí, tôn trọng pháp luật, để mỗi dự án đầu tư đều được tôn trọng từ khâu quy hoạch đến thi công trên thực địa. Ngoài ra, các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở cần quản lý chặt các khu công viên vui chơi, không để bỏ bê như hiện nay." - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần