Cụ thể, trong 3 ngày (7 - 9/2/2020), trên địa bàn TP không phát sinh thêm ổ dịch bệnh DTLCP nào. Lũy kế từ 1/1 đến 9/2/2020, DTLCP xảy ra tại 13 hộ chăn nuôi của 7 xã thuộc 6 huyện. Tổng số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 71 con với tổng trọng lượng là 5.589kg.
Như vậy, tính từ thời điểm ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) ngày 24/2/2019 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 33.006 hộ chăn nuôi của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.878 con với tổng trọng lượng là 37.160 tấn.
Hiện tại, đã có 445 xã, phường (chiếm 99,11%) của 20 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh trở lại. Còn 4 xã: Sơn Đông (Sơn Tây), Chu Phan (Mê Linh), Tân Lập (Đan Phượng), Vạn Phúc (Thanh Trì), chiếm 0,89% tổng số xã có dịch bệnh chưa qua 30 ngày.
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời điểm này DTLCP trên địa bàn TP cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên nguy cơ lây lan và bùng phát dịch vẫn rất cao. Bởi việc vận chuyển lưu thông lợn đang rất lớn trong khi đó việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn (theo quy định không thực hiện việc kiểm dịch nội tỉnh).
Mặt khác, dịch bệnh DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Virus DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường. Thêm vào đó là việc nhập đàn (do cung cầu và giá lợn cao) nhiều hộ chăn nuôi nhập đàn nhưng chưa thực hiện tốt việc khai báo với chính quyền địa phương. Trên địa bàn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa. Điều kiện thời tiết mưa phùn ẩm ướt, diễn biến phức tạp, mầm bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh, phát triển.
Để hạn chế dịch lây lan trong thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra các cơ sở việc tái đàn đảm bảo đúng hướng dẫn của TP. Kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo, nếu xảy ra dịch đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính và không hỗ trợ. Tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan tham mưu đề xuất UBND ban hành “Mạng lưới giết mổ” sớm để triển khai thực hiện, trong đó có xây dựng các cơ sở giết mổ lợn, giảm giết mổ nhỏ lẻ tại khu dân cư. Duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông. Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.
Song song với đó, triển khai thực hiện tốt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt trước và sau Tết Nguyên đán 2020. Kết quả vệ sinh tiêu độc đợt trước tết sử dụng hết 47,600 lít hóa chất, phun được 45,765,450m2. Tiếp tục triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt sau Tết Nguyên đán trên địa bàn TP, kế hoạch phun từ ngày 10 - 20/2/2020.