Các bệnh nhân gồm: Nguyễn Văn Quyết (29 tuổi), Trần Văn Giáp (30 tuổi), Nguyễn Tiến Dũng (25 tuổi) và Nguyễn Thị Diêu (47 tuổi) cùng trú tại thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Bệnh nhân Nguyễn Thị Diêu đang được điều trị tại bệnh viện. |
Trước đó, khoảng 18 giờ tối 8/10, khoa Hồi sức cấp cứu (BVĐK thị xã Kỳ Anh) tiếp nhận 4 bệnh nhân cùng có triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi, đau bụng sau khi ăn phải nấm độc. Ngay khi tiếp nhận các bệnh nhân, bệnh viện đã tổ chức cấp cứu theo phác đồ điều trị ngộ độc như: Rửa ruột, truyền dịch giải độc... Sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe các bệnh nhân cơ bản ổn định, đau bụng ít, tỉnh táo hơn và các chỉ số sinh tồn bình thường.
Bà Nguyễn Thị Diêu cho biết, hôm qua con trai bà là Nguyễn Tiến Dũng cùng bạn vào rừng hái nấm đem về, nghĩ là nấm mối (thường hay mọc ở gốc cây keo) nên dùng để nấu canh. Đến chiều cùng ngày, cả 4 người đều có chung triệu chứng đau bụng, buồn nôn nên được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám.
“Bắt đầu mùa mưa nên nấm rừng mọc nhiều và khó nhận biết, vì vậy người dân nên chỉ sử dụng những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm màu trắng hoặc có màu sắc sặc sỡ”, một bác sĩ tại BVĐK Thị xã Kỳ Anh khuyến cáo.