Đây là đêm diễn thứ 2 trong chuỗi 2 đêm với sự góp mặt của các nghệ sĩ thể loại cổ điển trong nước và quốc tế. NSƯT Bùi Công Duy cho biết, chỉ huy đêm nhạc là nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Bản Honna Tetsuji. Buổi hòa nhạc như một cuộc chạy marathon do vì tốn nhiều sức và thời gian. Trong hòa nhạc (concert), NSƯT Bùi Công Duy và các đồng nghiệp phải diễn chuỗi năm concerto liên tục.
“Một đêm hòa nhạc thông thường chỉ chơi một hoặc hai concerto vì thể loại này rất khó, đòi hỏi tập luyện kỳ công của cả người nghệ sĩ. Năm 2018, Bùi Công Duy từng chơi bốn concerto của Beethoven, Brahm, Mendelssohn... trong hai concert. Sau 5 năm, đây là cuộc marathon thứ hai trong sự nghiệp với những thách thức mới về kỹ năng và thời gian” - NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ.
Trong đêm nhạc đầu tiên, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk, Nga giới thiệu bản Concerto grosso cho violin, piano, bộ gõ và dàn dây. Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy trình tấu cùng pianist Ju Sun-young (Hàn Quốc), Chương Ngọc Hồng Minh (percussion), bộ gõ và dàn dây. Phần còn lại của đêm nhạc sẽ dành cho bản song tấu cho violin, viola và dàn nhạc, cung mi thứ (của nhà soạn nhạc Max Bruch) với phần trình tấu của nghệ sĩ Bùi Công Duy và Yi Wen Chao (Đài Loan); Song tấu cho violin, cello và dàn nhạc, cung la thứ (Johannes Brahms) được thể hiện bởi nghệ sĩ Bùi Công Duy và Phan Đỗ Phúc.
Chương trình ngày thứ 2 được bắt đầu với concerto "Việt Nam bốn mùa" cho 2 đàn violin và dàn nhạc của Đặng Hồng Anh. Hai nghệ sĩ Bùi Công Duy và Chương Vũ sẽ thể hiện cùng dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Việt Nam bốn mùa cho hai đàn violin và dàn nhạc, cũng là món quà nhạc sĩ Đặng Hồng Anh viết riêng tặng hai nghệ sĩ Bùi Công Duy và Chương Vũ. Tác phẩm gồm bốn chương: mùa Xuân - Lúa vàng, mùa Hạ - Chèo thuyền, mùa Thu - Lễ Phật trong chùa, mùa Đông - Múa Rồng đón Tết, tôn vinh đời sống tươi đẹp của người Việt xuyên suốt bốn mùa.
Phần cuối của chương trình là "Bản concerto cho đàn violon, cello, piano và dàn nhạc" của thiên tài âm nhạc L.V.Beethoven. Tác phẩm được sáng tác năm 1803, là một bản giao hưởng độc đáo, khác với thể thức concerto truyền thống bằng cách sử dụng 3 nhạc cụ độc tấu.
Bùi Công Duy sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh, phát triển nghề từ HBSO. Do đó, khi được trở lại đây biểu diễn cảm giác như đang về nhà. Bên cạnh ý nghĩa kỷ niệm 30 năm của Nhà hát, dự án mang ý nghĩa hội ngộ giữa những nghệ sĩ tri kỷ.
Hòa nhạc lần này còn là dịp để hội ngộ giữa những người bạn thân thiết của Bùi Công Duy. Họ cùng đồng hành, gắn bó từ những ngày đầu cho đến hiện tại giữ những vị trí cao, thành tựu nổi bật với âm nhạc cổ điển như nhạc trưởng Lê Ha My - giám đốc nhà hát HBSO, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh… đều là những người bạn du học tại nhạc viện Tchaikovsky, Nga.
Bùi Công Duy là nghệ sĩ violin tài năng của Việt Nam từng đoạt giải Nhất và Huy chương Vàng tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho nghệ sĩ trẻ lần thứ 3 năm 1997, được đánh giá cao về phong cách biểu diễn thanh thoát mà vẫn say đắm mạnh mẽ cùng kỹ thuật xuất sắc. Bùi Công Duy phát triển sự nghiệp của mình trở thành một nghệ sĩ độc tấu và nhà sư phạm âm nhạc quốc tế. Ngoài cương vị Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh là Giám đốc Nghệ thuật của Vietnam Classical Players và là Giám đốc điều hành của Liên hoan âm nhạc Vietnam Connection Music Festival.