70 năm giải phóng Thủ đô

Hài hòa lợi ích giữa các bên

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, việc xử lý, chuyển giao các ngân hàng yếu kém đòi hỏi dựa trên sự chia sẻ rủi ro giữa các bên gồm Nhà nước, ngân hàng tiếp nhận, ngân hàng bị chuyển giao.

“Việc chuyển giao bắt buộc cần tính đến áp lực với các ngân hàng nhận chuyển giao. Đây vốn là những ngân hàng mạnh, có thể góp phần củng cố hệ thống nhưng lại phải gánh vác trọng trách này đồng thời ứng phó với các rủi ro của nền kinh tế” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Các chuyên gia này cho rằng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là rất quan trọng, vì tính phức tạp của việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Cơ quan quản lý phải xử lý để bảo đảm sự an toàn của hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền. Nếu xử lý không khéo thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền.

Bên cạnh đó, không thể để ngân hàng tiếp nhận phải chịu hết các gánh nặng, dù sẽ có một số lợi ích về mở rộng thị phần, cổ đông, có quyền bán, chuyển nhượng, kể cả khả năng chuyển nhượng cho nước ngoài, hay “room” tín dụng.

Sau tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Công Hùng
Sau tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Công Hùng

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Công ty Luật TNHH HM&P cho rằng, ngoài các vấn đề pháp lý mang tính đặc thù đã được quy định tại Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động chuyển giao bắt buộc có thể sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý khác mà các bên cần đặc biệt quan tâm.

Chẳng hạn, hoạt động chuyển giao bắt buộc sẽ phát sinh việc chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp từ chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của bên được chuyển giao cho bên nhận chuyển giao. Nhưng không rõ rằng đây có thể được xem là hoạt động mua lại DN hay không, bởi Luật Các TCTD cũng đã quy định về phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

“Nếu không thuộc trường hợp mua lại DN, hoạt động chuyển giao bắt buộc đòi hỏi cần phải có những quy định cũng như hướng dẫn cụ thể hơn nhìn từ góc độ pháp luật cạnh tranh. Bởi lẽ sau khi kết thúc quá trình chuyển giao, rõ ràng quy mô của bên nhận chuyển giao là các ngân hàng đã tăng đáng kể” - ông Phúc lưu ý.

Cũng theo vị này, hoạt động chuyển giao bắt buộc có thể sẽ dẫn đến việc cải tổ mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức, hoạt động của ngân hàng bị chuyển giao. Khi đó, việc tuân thủ các vấn đề pháp lý về lao động trong trường hợp cho người lao động nghỉ việc cũng là vấn đề đặt ra với bên nhận chuyển giao.

Vì vậy, việc cơ quan quản lý cần làm phải trao cho các bên cơ chế đặc thù hơn, để họ đưa ra quyết định nó dễ dàng và nhanh chóng hơn. Những trường hợp 0 đồng NHNN cần có phương án xử lý cụ thể như bao lâu, cơ chế chính sách đi kèm là gì để tạo ra cơ hội phục hồi. Hoạt động chuyển giao bắt buộc vẫn còn gặp nhiều vướng mắc pháp lý, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn.

Trong khi đó, cho rằng xử lý ngân hàng yếu là vấn đề quan trọng, song TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, gốc rễ gây ra tình trạng ngân hàng yếu kém vẫn còn đó, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau của ngân hàng, tình trạng nền kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng… Nói cách khác, tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém, mà còn phải tái cấu trúc cả dòng vốn tín dụng toàn ngành.