Hài hòa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là hai mục tiêu quan trọng của điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023 và những năm gần đây. Hiện kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước rất nhiều thách thức.

Hài hòa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát
Hài hòa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát

Đó là ảnh hưởng của kinh tế thế giới, căng thẳng chính trị tại nhiều nước lớn như Nga - Ukraine, tác động của đại dịch Covid-19, những khó khăn nội tại của DN trong nước…

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, lạm phát cơ bản tháng 1/2023 đã tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%). Đây là mức tăng cao nhất cùng kỳ tháng 1 từ năm 2016 đến nay. Để ứng phó với lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, thu hẹp nhu cầu của nền kinh tế, từ đó tận dụng thời gian, củng cố lại các chuỗi cung ứng và sản xuất.

Song mặt trái của chính sách này lại làm suy giảm hoạt động đầu tư, hạn chế nỗ lực cải thiện nguồn cung, DN khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất tăng khiến lạm phát duy trì ở mức cao, tăng trưởng kinh tế thấp tại nhiều quốc gia.

Các dữ liệu kinh tế tháng 1/2023 cũng tiếp tục cho thấy những rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao. Hiệu ứng cơ sở của tiêu dùng mùa Tết đã khiến một số thông số về giá cả đi lên, tuy nhiên triển vọng FDI tươi sáng và nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ lại là điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế.

“Bất chấp tình hình thương mại đang chậm lại, vẫn có những yếu tố giữ cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng” - các chuyên gia của HSBC nhận định và cho rằng, du lịch sẽ là một ngành có ý nghĩa then chốt mang lại tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong năm 2023.

Dù sau khi mở cửa trở lại, du lịch quốc tế của Việt Nam chưa mấy sôi động, song vẫn có những lý do để kỳ vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Một trong số đó chính là sự mở cửa trở lại của Trung Quốc. Các chuyên gia của HSBC dự đoán, Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50 - 80%, tương ứng với 3 - 4,5 triệu lượt khách trong năm 2023.

Trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen này, việc điều hành kinh tế thế nào để vừa duy trì tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát là bài toán đang đặt ra để thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả.

Với Việt Nam, theo các chuyên gia, trong bối cảnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì trọng tâm chính sách kiểm soát lạm phát và điều hành vĩ mô không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải thực hiện đồng thời cả chính sách tài khóa. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ DN, người dân giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, góp phần giảm giá đầu ra. Việc kiểm soát tốt lạm phát sẽ tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ điều hành tín dụng, lãi suất hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công…

Riêng chính sách tiền tệ phải linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác…

Cùng với đó, điều quan trọng không kém là phải thận trọng trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là những nhóm hàng có tác động mạnh đến lạm phát, chi phí vận chuyển, sản xuất và đời sống người dân, như điện, xăng, dầu… tránh tác động cộng hưởng đến lạm phát trong nước.