Hai nước châu Âu gửi đề xuất riêng với Nga về thượng đỉnh hòa bình Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thụy Sĩ và Italia cho rằng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, cả Nga và Ukraine đều phải ngồi vào bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani (bên trái) và người  người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis  tại Ascona, Thụy Sĩ , ngày 12/8. Ảnh": AFP
Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani (bên trái) và người  người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis  tại Ascona, Thụy Sĩ , ngày 12/8. Ảnh": AFP

Theo đài RT, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani và người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis ngày 12/8 ra tuyên bố chung nhất trí hợp tác để đặt nền móng cho "hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine" lần hai, trong đó có sự tham gia của Nga.

Tuyên bố chung nêu rõ: "Để đạt được hòa bình tại Ukraine, cần sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên".

Hai ngoại trưởng nhất trí duy trì liên lạc và hợp tác để tạo ra "những điều kiện tốt nhất có thể cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần hai với sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm cả Nga và các chủ thể toàn cầu có liên quan".

Cũng trong tuyên bố trên, hai Ngoại trưởng Tajani và Cassis nhắc lại các điểm đã được thảo luận ở hội nghị hòa bình Ukraine lần thứ nhất, bao gồm kêu gọi các bên thả tù binh, đảm bảo an ninh lương thực và hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh Ukraine lần thứ nhất do Thụy Sĩ tổ chức vào tháng 6 chủ yếu tập trung thảo luận “công thức hòa bình” của Kiev, trong đó yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi tất cả các lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.

Phía Moscow đã bác bỏ vì cho rằng kế hoạch này "xa rời thực tế". Hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ không có sự tham gia của Nga. Trung Quốc cũng từ chối lời mời tham dự.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, mặc dù Nga không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Ukraine  lần thứ nhất, nhưng hầu hết các nước mong muốn Moscow có mặt tại hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/8 tuyên bố, Moscow sẽ không đàm phán với bất cứ ai tấn công dân thường, các cơ sở hạ tầng dân sự, đe dọa các cơ sở năng lượng hạt nhân.

Người đứng đầu Điện Kremlin lên án cuộc đột kích mới đây của quân đội Ukraine vào vùng biên giới Kursk của Nga, cho rằng đây là động thái của Kiev nhằm nâng vị thế đàm phán.

Theo ông Putin, các hành động gần đây nhất của Ukraine cho thấy lý do nước này từ chối xem xét các kế hoạch giải quyết xung đột dựa trên đề xuất của Nga hoặc lộ trình do các bên trung lập đưa ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

"Rõ ràng, đối phương, dựa vào sự giúp đỡ từ các nước phương Tây, đang nỗ lực cải thiện vị thế đàm phán của mình trong tương lai. Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể nói về đàm phán với những người đang tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự, hoặc nỗ lực đe dọa các cơ sở năng lượng hạt nhân?" - ông Putin phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 12/8.

Trước đó, hôm 6/8 vừa qua, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công vào vùng Kursk của Nga. Đây là cuộc tấn công xuyên biên giới lớn nhất kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine. Cuộc đột kích tỉnh biên giới của Nga được cho là có sự tham gia của một số lữ đoàn được trang bị tốt nhất của Kiev.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tiến công của Ukraine đã bị chặn lại. Quân đội Nga ước tính Kiev thiệt hại khoảng 1.600 quân và 200 xe bọc thép.

Trong ngày 11/8, Moscow cáo buộc Kiev đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (ZNPP), làm hư hại một trong những tháp làm mát của cơ sở này. Zaporozhye là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Thống đốc tỉnh Zaporozhye do Nga bổ nhiệm, ông Evgeny Balitsky, nói rằng ZNPP đã bốc cháy sau khi bị lực lượng Ukraine pháo kích nhưng đám cháy đã được kiểm soát.

Bình luận về vụ việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đảm bảo an ninh cho nhà máy, và gọi vụ tấn công là hành động khủng bố.