Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hai nước thành viên EU đồng loạt phản đối lệnh trừng phạt chống Nga

Kinhtedothi - Thủ tướng Slovakia tuyên bố sẽ phủ quyết lệnh trừng phạt Nga nếu bị tổn hại lợi ích quốc gia. Trong khi đó, lãnh đạo Hungary nói rằng biện pháp trừng phạt đối với Nga đang hủy hoại chính nước này và cả châu Âu.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 8/6 cảnh báo sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga nếu những biện pháp đó gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của nước này.

Tuyên bố được Thủ tướng Robert Fico đưa ra ngay sau khi Quốc hội Slovakia thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới và hạn chế thương mại nhằm vào Nga.

EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: Tass

Theo Thủ tướng Fico, đây là một thông điệp chính trị mạnh mẽ: "Nếu lệnh trừng phạt gây hại cho lợi ích quốc gia của Slovakia, chúng tôi sẽ chặn lại. Có những biện pháp chúng tôi hoàn toàn không liên quan, nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhất quyết theo đuổi chỉ vì mục tiêu đoàn kết. Tôi muốn Slovakia là một thành viên mang tính xây dựng trong EU, nhưng không thể đánh đổi lợi ích quốc gia".

Ông Fico cũng khẳng định sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga vốn được dùng để vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Slovakia.

Slovakia chưa từng chặn bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU đối với Nga, bao gồm cả gói trừng phạt mới nhất được thông qua hồi tháng 5 nhằm vào hạm đội tàu ngầm của Nga. Tuy nhiên, nước thành viên EU này đang cho thấy ngày một xa cách với các đồng minh phương Tây trong lập trường đối với cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như mối quan hệ với Nga.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2023, chính phủ liên minh do Thủ tướng Robert Fico lãnh đạo đã ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời phản đối việc trừng phạt Nga, cho rằng điều này gây thiệt hại cho Slovakia và EU nhiều hơn là Nga.

Các quyết định về chính sách đối ngoại trong EU, bao gồm lệnh trừng phạt, cần có sự đồng thuận tuyệt đối từ 27 quốc gia thành viên. Điều này trao cho từng quốc gia quyền phủ quyết hiệu quả đối với các đề xuất từ khối.

Việc Slovakia tuyên bố sẵn sàng dùng quyền phủ quyết trong bối cảnh EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga có thể khiến tiến trình này bị đình trệ hoặc buộc phải điều chỉnh để lấy được sự ủng hộ từ các thành viên “khó chiều”.

Không chỉ Slovakia, một quốc gia thành viên EU khác là Hungary từ lâu đã thể hiện lập trường cứng rắn khi phản đối các lệnh cấm vận Nga của EU. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Pháp LCI vào ngày ngày 8/6, Thủ tướng Hungary Viktor Orban chỉ trích: “Các lệnh trừng phạt chống Nga đang hủy hoại Hungary và cả châu Âu”. Theo Thủ tướng Orban, các lệnh trừng phạt chống Nga của EU đã khiến Hungary thiệt hại 20 tỷ euro trong 3 năm qua.

“EU đang xâm phạm chủ quyền của các quốc gia thành viên, trong khi lại không thể xử lý hiệu quả các cuộc khủng hoảng. Họ đang thất bại trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine và chính sách trừng phạt hiện nay là vô ích”, ông Orban nhấn mạnh.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, Thủ tướng Orban đã bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập EU và NATO. “Ukraine không thể trở thành thành viên của EU hay NATO,” ông tuyên bố.

Ông Orban cảnh báo rằng nếu Ukraine được gia nhập NATO, điều đó sẽ đồng nghĩa với “cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Nga và khối quân sự do Mỹ dẫn đầu”, một kịch bản mà theo ông là “không có lợi cho Hungary”.

Hiện EU đang lên kế hoạch cho gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga. Trước đó, ngày 14/5, các đại sứ EU đã thống nhất thông qua gói trừng phạt thứ 17, chủ yếu nhằm vào đội tàu chở dầu “bóng tối” của Nga.

Việc Slovakia và Hungary công khai phản đối các lệnh trừng phạt và chính sách đối ngoại chung của EU đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với nỗ lực duy trì mặt trận thống nhất của khối trong việc gây sức ép lên Moscow.

Trong khi đó, Mỹ hiện vẫn chưa áp đặt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy việc làm giảm mức độ khắc nghiệt của một dự luật trừng phạt Nga do Thượng viện đề xuất, theo tờ The Wall Street Journal (WSJ).

Dự luật đề xuất này bao gồm mức thuế lên tới 500% đánh vào hàng nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào tiếp tục mua dầu, khí đốt, uranium hoặc các hàng hóa chủ chốt khác từ Nga.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng làm việc với một số tập đoàn hàng đầu của Thuỵ Điển

Thủ tướng làm việc với một số tập đoàn hàng đầu của Thuỵ Điển

12 Jun, 05:31 PM

Kinhtedothi - Nhân dịp thăm chính thức Thụy Điển, sáng 12/6/2025 (giờ địa phương), tại Thủ đô Stockholm, Thủ tướng Phạm Minh Chính ăn sáng và làm việc với ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SEB và một số lãnh đạo tập đoàn hàng đầu của Thuỵ Điển.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ