Hải Phòng: Công trình sai phạm tại cống Cổ Tiểu dừng hoạt động từ ngày 15/11

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau loạt bài phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về đường đê kênh Cổ Tiểu bị phá nát, dòng chảy sông bị lấn chiếm tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng) do một số cá nhân tự ý xây dựng trái phép. Công trình sai phạm thủy lợi kênh trước cống Cổ Tiểu đã bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động từ ngày 15/11/2021.

Sau khi thông tin báo đăng, phía cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, xử lý vi phạm. Các cấp chính quyền địa phương có văn bản yêu cầu các cá nhân tạm dừng thi công công trình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có kết luận số 201/KL-SNN liên quan đến thanh tra việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và bãi sông tại cụm công trình thủy lợi cống Cổ Tiểu còn tồn tại nhiều vi phạm.
Theo kết luận thanh tra có 5 hộ cá nhân vi phạm về sử dụng đất, 6 hoạt động lấn chiếm đất để lấp bãi vật liệu, 19 công trình, vật kiến trúc vi phạm; đã xử lý 3 còn tồn tại 16 công trình, trong đó 10 công trình vi phạm từ trước năm 2011; 6 công trình vi phạm từ năm 2011 đến nay (3 công trình phát sinh sau năm 2011 đã xử lý dứt điểm).
Các công trình vi phạm tại cống Cổ Tiểu đã bị dừng hoạt động. Ảnh: Hải Yến
Những sai phạm, vi phạm nói trên đều liên quan đến Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, cụ thể: Công ty này đã giao, cho mượn, thuê đất và đồng ý cho hoạt động xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của một số cá nhân để sử dụng vào mục đích kinh doanh điều này trái quy định của Luật Thủy lợi. Để các cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm như: Xây dựng công trình, vật kiến trúc; lập bãi kinh doanh vật liệu trái phép; phương tiện thủy neo đậu gây cản trở dòng chảy công trình thủy lợi, xe cơ giới vượt trọng tải đi trên công trình thủy lợi, đê điều.
Từ năm 1995 đến năm 2020, Trạm Khai thác công thác công trình thủy lợi Cổ Tiểu (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ) và Công ty đều ký hợp đồng cho thuê mặt bằng diện tích 14.594m2 đất tại khu vực xen kẹt giữa kênh nước thuộc cống Cổ Tiểu 2, 3 là trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, Công ty báo cáo chỉ thu tiền theo hợp đồng 6 năm, số tiền 102 triệu đồng, hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra quyết toán. Việc công ty báo cáo về cho thuê đất mặt bằng, giải trình về lý do các năm không thu tiền là chưa có cơ sở, không đúng quy định cần được cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến những sai phạm trên, UBND TP Hải Phòng cũng có văn bản chỉ đạo UBND huyện Kiến Thụy chủ trì, thiết lập hồ sơ và xử lý triệt để các hành vi vi phạm tại khu vực cụm công trình thủy lợi cống Cổ Tiểu. Kiên quyết buộc các tổ chức, cá nhân thực hiện thi hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định. Hoàn thành trong tháng 11/2021.
Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn kiến nghị của người dân tại thôn Đoàn Xá, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng về việc đường đê Cổ Tiểu bị hư hỏng nặng cũng như một đoạn sông Văn Úc bị lấn chiếm dòng chảy do một số cá nhân xây dựng mố cầu để phục vụ cho một số công trình tại khu vực này. Điều đáng nói các cá nhân này đã tự ý xây dựng mố cầu khi chưa có đầy đủ thủ tục, hồ sơ…
Bên cạnh đó, có khoảng hơn 1 cây số đường đê đã bị sụt lún nghiêm trọng, ông Phạm Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá xác nhận: “Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các cá nhân xây dựng những mố cầu này trước. Trong quá trình vừa làm vừa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Chính quyền địa phương chưa nhận được bất cứ thủ tục nào của các cá nhân nói trên gửi về cho xã".
Ông Phạm Văn Chiến cho rằng, sẽ yêu cầu những cá nhân nói trên tạm dừng công trình để chờ thủ tục. Các cá nhân có liên quan cũng thừa nhận đã có “bút phê” của ông Nguyễn Văn Chọn - Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đa Độ nên đã cho triển khai thi công mố cầu đến nay gần như hoàn thiện.
Việc xây dựng mố cầu đã lấn chiếm và ảnh hưởng đến dòng chảy tiêu thoát lũ của một đoạn sông Văn Úc điều này là vô cùng nguy hiểm khi mùa mưa bão cận kề. Nhiều người dân địa phương không chỉ bất bình trước việc hành lang đê, dòng chảy của một đoạn sông Văn Úc bị xâm phạm mà những hoạt động trên còn vi phạm các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần