Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Nhiều di tích huyện Vĩnh Bảo xuống cấp nghiêm trọng

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự tác động của con người và đặc biệt là sức tàn phá của thời gian khiến hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia tại huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) bị xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi phải được tu bổ, tôn tạo kịp thời.

Xuống cấp nghiêm trọng

Miếu Ngà tại xã Việt Tiến bị xuống cấp theo thời gian. Ảnh Vĩnh Quân
Miếu Ngà tại xã Việt Tiến bị xuống cấp theo thời gian. Ảnh Vĩnh Quân

Theo thống kê của Sở VH&TT Hải Phòng, hiện trên địa bàn TP có 116 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, có tuổi đời từ 500 đến 700 năm. Riêng huyện Vĩnh Bảo có 102 di tích được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 80 di tích cấp TP.

Các trụ cổng của miếu Ngà bị xiêu vẹo có nguy cơ đổ sập. Ảnh Vĩnh Quân
Các trụ cổng của miếu Ngà bị xiêu vẹo có nguy cơ đổ sập. Ảnh Vĩnh Quân

21 di tích cấp quốc gia tại huyện Vĩnh Bảo có tuổi đời từ 200 - 300 năm hiện phần lớn bị bong tróc, các hạng mục gỗ thì mục ruỗng, có nguy cơ sập đổ.

Hiện toàn bộ phần mái của di tích miếu Ngà bị hỏng, ngói vỡ, xô lệch. Ảnh Vĩnh Quân
Hiện toàn bộ phần mái của di tích miếu Ngà bị hỏng, ngói vỡ, xô lệch. Ảnh Vĩnh Quân

Nghiêm trọng nhất có thể kể đến các di tích: Miếu Ngà (xã Việt Tiến), miếu Ba Vua (xã Vinh Quang) miếu Tràng (xã Cổ Am), đình An Quý (xã Cộng Hiền)…

Miếu Ba Vua bị mưa dột, nền nhà, tường bao ẩm mốc. Ảnh Vĩnh Quân
Miếu Ba Vua bị mưa dột, nền nhà, tường bao ẩm mốc. Ảnh Vĩnh Quân

Theo ghi nhận của phóng viên, miếu Ngà (thôn 7, xã Việt Tiến) thờ tướng quân Nguyễn Chính thời nhà Trần, được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1994. Hiện toàn bộ phần mái của di tích bị hỏng, ngói vỡ, xô lệch. Mỗi trận mưa to, nước ngập lênh láng khiến các thành viên Ban quản lý di tích phải tát nước, di chuyển đồ vật lên vị trí khô ráo.

Bên cạnh đó, tường bao, cổng di tích xiêu vẹo có nguy cơ đổ sập. Bức ngăn hậu cung và gian tiền tế bị mục. Trụ cổng của miếu Ngà bị lún, nghiêng, phải lấy tre, thép để chằng buộc, chống đỡ, phòng ngừa nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào.

Tường của di tích lịch sử cấp quốc gia miếu Ba Vua bị nứt vỡ. Ảnh Vĩnh Quân
Tường của di tích lịch sử cấp quốc gia miếu Ba Vua bị nứt vỡ. Ảnh Vĩnh Quân

Hay tại miếu Ba Vua (xã Vinh Quang) thờ 3 vị thành hoàng được Bộ VH&TT xếp hạng cấp quốc gia năm 1999, toàn bộ tường hậu cung bị lún, nứt. Ngoài ra, bức ngăn hậu, tiền tế, cột, rui di tích bị mục nát, mái ngói xô dột…

Đặc biệt, tại miếu Tràng (xã Cổ Am) nhiều hạng mục có nguy cơ chờ sập. Cụ thể, cổng và tường bao bị mục rũa. 10 gian nhà Giải Vũ hai bên Miếu bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Mặt tiền của Miếu bị bong vữa, nứt vỡ. Nền nhà được ghép gạch đỏ hiện đã bị phồng, sụt. Thậm chí, cả 3 ô cửa đều đã hỏng không thể sử dụng, trong đó có 1 ô cửa chỉ chờ mở ra là đổ. Những bức tường hậu cung bị nứt to…

 Nhiều hạng mục ở Miếu Tràng có nguy cơ chờ sập. Ảnh Vĩnh Quân
 Nhiều hạng mục ở Miếu Tràng có nguy cơ chờ sập. Ảnh Vĩnh Quân

Đòi hỏi nguồn kinh phí lớn

Trước tình trạng này, huyện Vĩnh Bảo đã nhiều lần đề nghị T.Ư, TP cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo.

Trưởng phòng VH&TT huyện Vĩnh Bảo Phạm Ngọc Điệp cho biết: Ngành chức năng và chính quyền địa phương đều biết rõ thực trạng các công trình ngày càng xuống cấp nhưng vì công trình là di tích quốc gia nên việc tu bổ không thể tự ý. Hơn nữa nguồn kinh phí thực hiện tu bổ tương đối nhiều, nên địa phương không có đủ nguồn lực. 

Có những bức tường hậu cung tại miếu Tràng bị nứt to, có chỗ đút lọt bàn tay…Ảnh Vĩnh Quân
Có những bức tường hậu cung tại miếu Tràng bị nứt to, có chỗ đút lọt bàn tay…Ảnh Vĩnh Quân

Các sở, ban ngành TP đã nhiều lần họp bàn về vấn đề cải tạo, tu sửa các công trình di tích lịch sử bị xuống cấp. Sở VH&TT cũng đặt ra 3 tiêu chí là: Mức xây dựng dự án 2 tỷ, lập báo cáo kỹ thuật 1 tỷ và mức tu sửa cấp thiết là 500.

Cùng với đó, các đơn vị tư vấn, hội đồng đã về tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các di tích cấp quốc gia trên địa bàn. Trong đó, căn cứ hiện trạng xuống cấp của các di tích, phân định rõ mức độ sửa chữa cấp thiết.

Tường của di tích cấp quốc gia miếu Tràng  bị bong tróc vôi vữa, nứt vỡ. Ảnh Vĩnh Quân
Tường của di tích cấp quốc gia miếu Tràng  bị bong tróc vôi vữa, nứt vỡ. Ảnh Vĩnh Quân

Hiện, đối với di tích cấp quốc gia, theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, mỗi di tích nếu tu bổ Nhà nước cấp 200 - 300 triệu đồng, còn đâu phải kêu gọi từ nguồn xã hội hóa. ''Nhưng trên thực tế, việc tu bổ, tôn tạo đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn. Tại Vĩnh Bảo hiện có 21 di tích cấp quốc gia, nếu mỗi năm chỉ tu sửa 1 - 2 di tích thì việc triển khai tu sửa sẽ kéo dài. Chúng tôi rất mong T.Ư cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo trong năm 2022'' - ông Phạm Ngọc Điệp nói.