Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và Tôn vinh “Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan”, diễn ra ngày 8/9.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ thêm: Ngành Hải quan Việt Nam đang nỗ lực xây dựng bộ máy chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan, quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực tế, với những kết quả đạt được toàn diện trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2020 là tiền đề để ngành Hải quan trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống xây dựng và phát triển 77 năm qua, Hải quan Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 bùng phát, tình hình xung đột Nga - Ukraine... ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, ngành Hải quan đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ trong tạo thuận lợi thương mại nhằm đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt.
Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp với chủ đề “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển”, là dịp để cơ quan Hải quan, cộng đồng DN đối thoại, trao đổi về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan nhằm thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu và logistics phát triển, đóng góp vào sự phục hồi kinh tế trong trước mắt và cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Theo thống kê, năm 2020 là năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.
Theo bà Vũ Thị Ánh Hồng, có được mức tăng trưởng đáng phấn khởi trên là kết quả nỗ lực của cộng đồng DN đã vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, giữ vững thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Cùng với đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng hành với DN và người dân để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành Hải quan trong việc hỗ trợ DN xuất nhập khẩu đảm bảo nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng, cũng như đẩy nhanh thủ tục thông quan, từ đó lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh cho xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế.
Không chỉ vậy, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã có nhiều chương trình kết nối, đồng hành cùng DN như: Kế hoạch triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan; Chương trình DN ưu tiên; Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan... Qua đó, đã đẩy mạnh hoạt động tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho DN, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và DN.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, giao lưu thương mại toàn cầu, trước đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng DN, ngành Hải quan đặt ra mục tiêu tiếp tục cải cách hiện đại hóa hải quan, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN.