Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Ghi nhận của phóng viên tại cửa khẩu cảng Cát Lái trong những ngày cuối tháng 4, mặc dù lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua cảng gia tăng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng tại khu vực làm thủ tục hải quan lại rất vắng người. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Tống Lê Dân cho biết, hiện nay, hầu hết thủ tục hải quan đều được doanh nghiệp thực hiện qua hệ thống điện tử; lượng tờ khai được phân luồng Xanh, luồng Vàng chiếm tỷ lệ lớn nên thông quan hàng hóa đều qua hệ thống điện tử. Theo Phó Chi cục trưởng Tống Lê Dân, trong quý 1/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã làm thủ tục thông quan cho trên 100.000 tờ khai hải quan, với tổng kim ngạch trên 8 tỷ USD. Trong đó, tờ khai hàng hóa xuất khẩu chiếm phần lớn, với trên 66.000 tờ khai, tổng kim ngạch trên 3,8 tỷ USD, còn tờ khai thuộc luồng Đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa) chỉ chiếm 3,5%.
Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đang quản lý hải quan tại 13 cảng biển, 1 cảng hàng không quốc tế, 7 ICD, 2 khu chế xuất, 1 khu công nghệ cao, chuyển phát nhanh hàng hóa quốc tế, 7 ICD, 17 kho ngoại quan, 12 kho CFS, 3 kho hàng không, 10 kho xăng dầu, 6 cửa hàng miễn thuế... Ngoài ra, đơn vị cũng triển khai hoạt động kiểm tra giám sát đối với 43 bến cảng, bến phao và tiến hành thủ tục thông quan xuất nhập cảnh cho hơn 2.400 tàu biển, hơn 24.000 lượt chuyến bay mỗi năm.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 hướng dẫn doanh nghiệp tra cứu thông tin trên hệ thống. Ảnh: T.H |
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực làm thủ tục xuất khẩu qua cảng Cát Lái được thông quan nhanh chóng, như: gạo đạt kim ngạch trên 500 triệu USD, thủy sản đạt kim ngạch gần 500 triệu USD, cao su trên 450 triệu USD, rau quả gần 450 triệu USD… Ông Tống Lê Dân nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu thông quan nhanh chóng lượng hàng hóa XNK lớn qua cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ứng dụng nhiều chương trình quản lý hiện đại trong các khâu nghiệp vụ. Đặc biệt, nhiều năm qua, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh triển khai “Đề án tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái” đã tạo thuận lợi và giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thủ tục thông quan tại cửa khẩu, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã rất chủ động trong việc rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng các bài toán nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động triển khai các hội nghị tập huấn, đào tạo, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp, nhằm hướng doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Riêng trong năm nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch với nhiều chương trình đối thoại với các nhóm doanh nghiệp, cùng với 4 hội nghị đối thoại chuyên đề về các lĩnh vực đặc thù, như: hàng vận chuyển độc lập; đại lý thủ tục hải quan,… Qua đó, những nội dung chuyên sâu về từng lĩnh vực sẽ được hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp nắm chắc và thực hiện hiệu quả, thông quan hàng hóa nhanh chóng, tránh được những sai sót không đáng có.
Kết quả cải cách thủ tục, tạo thuận lợi thương mại của Hải quan TP Hồ Chí Minh đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và lãnh đạo các cấp ghi nhận. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hải quan TP Hồ Chí Minh vào đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng đánh giá, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Theo bảng xếp hạng của UBND TP Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đạt số điểm cao nhất về kết quả cải cách hành chính năm 2023.
Quản lý bằng hệ thống điện tử
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Phan Minh Lê, để đáp ứng yêu cầu quản lý và làm thủ tục cho hệ thống kho, bãi cảng, và lượng hàng hóa XNK, quá cảnh rất lớn, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hệ thống quản lý điện tử. Theo đó, đối với loại hình tái xuất, quá cảnh, ngoài hồ sơ thủ tục theo quy định, bắt buộc phương tiện phải đáp ứng điều kiện niêm phong, thực hiện niêm phong bằng seal định vị điện tử; theo dõi kiểm tra chặt chẽ việc xác nhận hàng đi và đến theo thời gian đăng ký tuyến đường vận chuyển… Cụ thể, đối với hoạt động vận chuyển độc lập, vận chuyển giữa các địa bàn giám sát hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các chi cục triển khai triệt để việc áp dụng seal định vị điện tử và công tác giám sát hành trình. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên rà soát kiểm tra các trường hợp vận chuyển quá thời hạn cả chiều đến và đi trên hệ thống. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã sử dụng Hệ thống quản trị tập trung (HCAS) để tiến hành phân tích định kỳ hàng ngày ở cấp chi cục và hàng tháng ở cấp cục đối với tất cả các trường hợp trên hệ thống để kịp thời phát hiện các lô hàng đi vượt quá thời gian theo quy định và có biện pháp phối hợp xử lý.
Trong việc quản lý hệ thống kho, bãi, từ đầu năm 2024, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các kho, số liệu quản lý của kho và đặc biệt là kiểm tra nghiêm việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh kho theo Nghị định 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Với nhiều giải pháp đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hải quan, tạo thuận lợi thương mại, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đang từng bước triển khai, thực hiện các chương trình kế hoạch hành động cụ thể, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện đảm bảo bám sát Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo dấu ấn của đơn vị Hải quan ở Thành phố mang tên Bác.