95 năm ngày thành lập đảng

Hai tuần “đại náo” Washington của tỷ phú Elon Musk

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ, tỷ phú Elon Musk đã được trao quyền lực đặc biệt để cải tổ bộ máy Chính phủ liên bang. Động thái này tạo ra những làn sóng tranh cãi và lo ngại sâu sắc về ranh giới giữa quyền lực tư nhân và công quyền.

Quyền lực gần như không giới hạn

Chỉ trong 2 tuần ngắn ngủi từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ mới, Washington đã chứng kiến một làn sóng thay đổi táo bạo dưới sự dẫn dắt của Elon Musk - tỷ phú giàu nhất thế giới.

Được sự ủng hộ trực tiếp từ Tổng thống Trump, Elon Musk đã xây dựng tầm ảnh hưởng của mình đối với bộ máy của Chính phủ Mỹ. Với tư cách người đứng đầu sáng kiến được gọi là "Bộ Hiệu quả Chính phủ" (DOGE), tỷ phú Musk được trao quyền tiếp cận các hệ thống dữ liệu và tài chính then chốt của Nhà Trắng một cách nhanh chóng.

Mang phong cách làm việc đặc trưng của Thung lũng Silicon tới Washington DC, vị tỷ phú 53 tuổi và đội ngũ của DOGE - chủ yếu gồm các kỹ sư trẻ, khoe rằng họ có thể làm việc với cường độ cao, thậm chí đặt giường ngủ trong văn phòng để có thể làm việc xuyên đêm. Không những vậy, Elon Musk từng tuyên bố có thể sẵn sàng làm việc vào các ngày nghỉ cuối tuần, một "siêu năng lực" giúp ông có lợi thế hơn “đối thủ” là những công chức liên bang.

Điều đáng chú ý là mức độ tự chủ của Elon Musk được cho là "gần như không giới hạn", theo tiết lộ của một viên chức chính quyền Tổng thống Trump cho báo New York Times. Với tư cách nhân viên chính phủ đặc biệt làm việc không lương, ông Musk và các cộng sự đã nhanh chóng thiết lập quyền kiểm soát đối với nhiều cơ quan quan trọng thuộc Chính phủ.

Được Tổng thống Donald Trump giúp sức, tỷ phú Elon Musk đang tiến hành cuộc cải tổ chưa từng có đối với bộ máy Chính phủ liên bang Mỹ. Ảnh: Kenny Holston - The New York Times
Được Tổng thống Donald Trump giúp sức, tỷ phú Elon Musk đang tiến hành cuộc cải tổ chưa từng có đối với bộ máy Chính phủ liên bang Mỹ. Ảnh: Kenny Holston - The New York Times

Đồng thời, những phương thức cắt giảm chi tiêu quyết liệt từng được tiến hành tại X và các công ty khác của vị tỷ phú này giờ đây cũng được áp dụng đối với các cơ quan Chính phủ Mỹ. Trong số đó, có thể kể đến biện pháp "ngân sách dựa trên số không". Ý tưởng của biện pháp này là giảm chi tiêu của một chương trình hoặc hợp đồng xuống mức 0, sau đó thảo luận để có được số tiền tối thiểu cần thiết.

“Cơn bão” càn quét chính quyền liên bang

Những diễn biến trên tạo ra làn sóng xáo trộn chưa từng có trong bộ máy hành chính cấp liên bang Mỹ. Tại Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) - trung tâm điều hành nhân sự của chính phủ Washington, những thay đổi diễn ra nhanh chóng và quyết liệt. Hàng loạt thư điện tử được gửi đến toàn bộ nhân viên OPM, thúc giục họ từ chức với lời hứa trả lương đến hết tháng 9.

Điều này giống hệt với cách thức sa thải các cựu nhân viên của Twitter sau khi Elon Musk mua lại nền tảng mạng xã hội này vào năm 2022 và đổi tên thành X. Theo một số nguồn tin tiết lộ với kênh CNN, các nhân viên cấp cao tại OPM đã phải xác định 30% lực lượng lao động của họ có thể cắt giảm trong tương lai gần, nhằm đạt mục tiêu được đề xuất là giảm tới 70% nhân viên. Những đợt cắt giảm này có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thực hiện nhiệm vụ của OPM, bao gồm các hoạt động phúc lợi, dịch vụ và giám sát.

Tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), tình hình còn căng thẳng hơn. Dù Tổng thống Trump đã đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài, song Elon Musk còn muốn đi xa hơn thế. "Chúng tôi đã dành cả cuối tuần để đưa USAID vào máy nghiền gỗ" - vị tỷ phú viết trên X sáng 3/2.

Toàn bộ ban lãnh đạo USAID bị sa thải ngay lập tức, trong khi các nhân viên của DOGE đã vào bên trong trụ sở cơ quan, với mục tiêu tiếp cận hệ thống an ninh, hồ sơ nhân sự và thông tin mật. Cuối tuần trước, trang web của USAID biến mất. Đến ngày 3/2, cơ quan này bị tê liệt hoàn toàn. Trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên X sáng sớm cùng ngày, tỷ phú Musk tuyên bố Tổng thống Trump đã đồng ý việc “đóng cửa USAID", dù các chuyên gia chỉ ra rằng điều này vượt quá thẩm quyền của Tổng thống vì USAID được thành lập theo luật liên bang.

Tại Tổng cục Dịch vụ (GSA), đơn vị quản lý bất động sản và mua sắm cấp liên bang, những thay đổi được Elon Musk thúc đầy dù diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, tập trung vào "hiệu quả" và "giá trị cho người nộp thuế".

Theo một số nguồn tin, các văn phòng của GSA được yêu cầu cắt giảm 50% chi phí kinh doanh, trong khi khoảng 3.000 hợp đồng thuê “ngắn hạn” (trong tổng số 7.000 hợp đồng thuê của GSA trên toàn nước Mỹ) sẽ bị hủy bỏ.

Tại Bộ Tài chính Mỹ, DOGE được cấp quyền truy cập đầy đủ vào hệ thống thanh toán sau khi David Lebryk, công chức cấp cao nhất của bộ đột ngột rời đi. Tỷ phú Musk từng công khai chỉ trích quy trình thanh toán hiện tại của Bộ Tài chính Mỹ, khi cho rằng các nhân viên của bộ này "không bao giờ từ chối một khoản thanh toán nào, kể cả với các nhóm khủng bố hoặc lừa đảo”.

Người hùng hay mối đe dọa cho Chính phủ Mỹ?

Phản ứng từ các bên liên quan khá trái chiều. Trong khi Tổng thống Donald Trump công khai ủng hộ Elon Musk, gọi ông là "người thông minh" và "làm rất tốt", thì nhiều nghị sĩ và quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại. Đã có ít nhất 4 vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang để thách thức thẩm quyền của tỷ phú Musk.

Nhà sử học Douglas Brinkley mô tả Elon Musk là một "chiến binh đơn độc" với năng lực vô hạn, hoạt động "ngoài tầm giám sát" của bất kỳ tổ chức nào trong bộ máy chính quyền Mỹ. "Không một thực thể nào có thể buộc ông Musk phải chịu trách nhiệm. Đó là điềm báo về nguy cơ hủy diệt các thể chế cơ bản của chúng ta" - ông nói.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là việc Elon Musk nắm quyền kiểm soát các cơ quan giám sát chính các công ty của mình. Điều này tạo ra những lo ngại về xung đột lợi ích, đặc biệt khi xét đến các mối quan hệ kinh doanh rộng lớn của ông, bao gồm cả ở Trung Quốc.

Cách thức hoạt động của đội ngũ DOGE cũng gây ra những câu hỏi về tính minh bạch, do cơ quan này ưu tiên tính bí mật, từ chối chia sẻ thông tin chi tiết về hoạt động của mình và thường không tiết lộ danh tính khi tiến hành các cuộc phỏng vấn với nhân viên liên bang.

Những động thái này đã gây ra làn sóng lo ngại về xung đột lợi ích, an ninh dữ liệu và tính hợp pháp. Elon Musk, với hàng tỷ USD trong các hợp đồng chính phủ, đang đặt những cộng sự của mình vào vị trí kiểm soát các quyết định về hợp đồng và chi tiêu. Dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên liên bang có nguy cơ bị xâm phạm khi các biện pháp bảo mật bị bỏ qua.

Cuộc cải tổ của tỷ phú Musk trong Chính phủ liên bang đại diện cho một thử nghiệm chưa từng có về việc áp dụng phương pháp quản lý kiểu DN vào khu vực công. Dù cuộc thử nghiệm này có thể mang lại một số hiệu quả về mặt kinh tế, những lo ngại về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và xung đột lợi ích vẫn còn đó. Ngoài ra, những thay đổi nhanh chóng và quyết liệt dù có thể mang lại kết quả trong kinh doanh, nhưng khi áp dụng vào bộ máy Chính phủ, nó có thể gây những hậu quả khôn lường.