Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai vụ tàu trật bánh đều có trách nhiệm của Công ty Hà Hải

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chính thức công bố nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tàu trật bánh tại ga Yên Viên vào các ngày 6 và 7/8 vừa qua.

Theo đó, khu vực ghi N110 tại ga Yên Viên, vị trí xảy ra sự cố ngày 6/8 đang trong thời gian duy tu, sửa chữa trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác.

Quá trình sửa chữa, đơn vị thi công chưa đảm bảo một số thông số kỹ thuật của tiêu chuẩn nghiệm thu theo quy định. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố.

Bên cạnh đó, Ban lái tàu đã điều khiển tàu chạy vượt tốc độ quy định khi một số toa xe cuối cùng chưa qua hết khu vực hạn chế. Tốc độ cho phép tại khu vực qua ghi N110 là 15km/giờ, tốc độ tàu thực tế qua ghi lúc xảy ra tai nạn là 17,78km/giờ.

Đây là nguyên nhân cộng hưởng dẫn đến sự cố. Trách nhiệm trong sự cố ngày 6/8 thuộc về Công ty CP Đường sắt Hà Hải và Chi nhánh XN Đầu máy Yên Viên.

Ngày 7/8, ngay sau khi xảy ra sự cố lần 1, đơn vị thi công đã tập trung xử lý để thông đường và hoàn trả tốc độ khu ga là 15km/giờ. Đồng thời khu ga đã đón được 5 đoàn tàu (3 tàu hàng, 2 tàu khách) thông qua an toàn.

Tuy nhiên, do đơn vị thi công đã thiếu cẩn trọng, không kiểm tra lại các thông số kỹ thuật đường sau khi các đoàn tàu thông qua đã tác động ảnh hưởng đến kết cấu nền đường; dẫn đến sự cố trật bánh lần 2. Trách nhiệm thuộc về Công ty CP Đường sắt Hà Hải.

VNR đã yêu cầu người đứng đầu các đơn vị nêu trên và Ban Quản lý kết cấu hạ tầng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả trước ngày 20/8/2017.

Đại diện VNR cho biết, lãnh đạo Tổng Công ty cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung kiểm tra, rà soát, bổ sung cho phù hợp toàn bộ các quy trình, quy định, công tác quản lý và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu, ATGT đường sắt đối với tất cả các hệ: vận tải, đầu máy, toa xe, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt…

Tiếp tục tổ chức cho các chức danh trực tiếp làm công tác chạy tàu học tập, kiểm tra, sát hạch lại trình độ, đưa ra khỏi dây chuyền những cá nhân không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.