Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế nguồn lực, đô thị khó cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vấn đề cạnh tranh lành mạnh, huy động đa nguồn lực cho phát triển và nâng cấp đô thị đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại hội nghị "Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động hôm nay" do Bộ Xây dựng, Liên minh các thành phố và Diễn đàn đô thị Việt Nam đã phối hợp tổ chức ngày 30/10.

Đây là một trong những chủ đề lớn, quan trọng, gắn chặt với việc thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam.

Hạn chế nguồn lực, đô thị khó cạnh tranh - Ảnh 1
Các doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.Trong ảnh: Lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.Ảnh: Hải Linh
Vòng luẩn quẩn…

Khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước, Hà Nội hiện đóng góp khoảng 12% GDP quốc gia, TP. HCM: 21,3%. Tuy nhiên, mối bận tâm hiện nay đến từ chính các đô thị loại 1 và đặc biệt. Trước sự cạnh tranh gay gắt của các đô thị láng giềng như Kuala Lumpur, Bangkok… thì việc các đô thị lớn tại Việt Nam có thể thu hút đầu tư nhằm tăng nguồn thu ngân sách, từ đó phân bổ chi cho đầu tư phát triển đô thị là điều không dễ dàng. Việc các đô thị thiếu sức cạnh tranh, thiếu tính hấp dẫn xuất phát từ chính khó khăn trong quá trình tìm kiếm nguồn kinh phí phát triển. 

Hà Nội có tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2011 là 113.405 tỷ đồng, tổng chi chỉ khoảng 38.000 tỷ đồng cho tất cả các nhu cầu như dịch vụ đô thị, chi phí quản lý hành chính… Trong đó, chi phí cho đầu tư phát triển đô thị chỉ là một hạng mục. TP. HCM đóng góp tới 21,3% GDP cả nước nhưng chi ngân sách được tự chủ chỉ chiếm 17% (29.524 tỷ đồng) - đây là con số nhỏ so với nhu cầu đầu tư phát triển đô thị của TP có 7,3 triệu dân. 

Theo Ths. KTS Nguyễn Dư Minh (Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng), việc không tự chủ trong các khoản chi ngân sách để huy động nguồn lực lớn hơn và tập trung hơn cho đầu tư phát triển đô thị đưa đến thực tế các đô thị đều phải huy động từ các nguồn đầu tư khác. Nhưng để thu hút đầu tư thì chính quyền đô thị lại cần chi phí cho đầu tư phát triển đô thị. Đây là một vòng luẩn quẩn mà hầu hết các chính quyền đô thị đều phải đối mặt.

Hạn chế nguồn lực, đô thị khó cạnh tranh - Ảnh 2
Để thu hút đầu tư, các chính sách về quy hoạch, xây dựng cần minh bạch, thông thoáng hơn. Ảnh: Hùng Huy

Điều gì làm nên sức mạnh?

Câu hỏi đặt ra, đâu là lực lượng chính và vai trò của chính quyền đô thị trong việc tạo ra sự thu hút đầu tư, sức mạnh cho nền kinh tế đô thị. Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động nhiều nhất. Tính riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đóng góp tới 20% trong tổng số 33% đóng góp vào GDP của Hà Nội và TP. HCM. Điều này cho thấy, vai trò quan trọng của các doanh nghiệp đối với nền kinh tế đô thị. 

Việc các doanh nghiệp là lực lượng chính trong sự phát triển đô thị đến từ chính các lợi thế mà đô thị tạo ra. Đó là: Quy hoạch đồng bộ, chất lượng hạ tầng, nguồn lao động có kỹ năng, lợi thế về môi trường đầu tư, chính sách hỗ trợ, ưu đãi… Bên cạnh đó, các yếu tố như quy mô các khu văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, sân bay, cảng biển quốc tế… đã tạo nên những lợi thế có tính "ít phổ biến", tạo nên sức cạnh tranh đô thị. 
 
Ths. KTS Nguyễn Dư Minh phân tích, các lợi thế cạnh tranh của đô thị lại xuất phát từ chính các quyết định của chính quyền đô thị. Chính quyền đô thị có thể quyết định quy hoạch, đầu tư xây dựng, đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ... Như vậy, tuy không có vai trò trực tiếp đối với lĩnh vực phát triển kinh tế nhưng sự thúc đẩy của chính quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra lợi thế, sức cạnh tranh của đô thị cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
 
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, dân số đô thị của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và khó mà tưởng tượng khi đó các thành phố sẽ như thế nào. Nhưng, chính những chính sách và sự đầu tư hôm nay sẽ quyết định đến diện mạo của các đô thị sau này.

"Quản lý đô thị cần phải bao quát cả ba lĩnh vực: Quy hoạch, xây dựng và vận hành đô thị. Sự phát triển của đô thị không phụ thuộc vào sự nổi trội của một lĩnh vực nào mà phải là sự phát triển của cả hệ thống. Hiệu quả quản lý đô thị không chỉ phụ thuộc vào trình độ, năng lực mà còn phụ thuộc vào tâm huyết của chính quyền đô thị, sự đồng hành và kỷ cương của cộng đồng." - Ông Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội