Với kết quả sơ bộ công bố vào nửa đêm 9/5 (giờ Việt Nam), ông Moon Jae-in đã bắt đầu tuyên bố thắng cuộc, đồng thời truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin rầm rộ về các hoạt động sắp tới của tân Tổng thống.
Cải tổ chaebol
Ông Moon Jae-in là một chính trị gia cánh tả với quan điểm tự do, ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên. Ở tuổi 64, cựu luật sư nhân quyền này đã giành được khoảng 41,4%, theo kết quả sơ bộ. Kết quả này đẩy vị trí của ông bỏ xa đối thủ gần nhất là doanh nhân trung lập Ahn Cheol-soo và nhà chính sách “diều hâu” Hong Joon-pyo.
Cộng đồng người ủng hộ ông Moon có lẽ kỳ vọng vào một tân chính quyền miễn nhiễm với bê bối tham nhũng, so với tấm gương “mờ” trước đó là bà Park Geun-hye – Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị phế truất trong lịch sử nước này do vướng vào bê bối tham nhũng “bạn thân”.
Vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng, ủy ban bầu cử quốc gia cho biết tỷ lê cử tri đi bầu có thể đạt trên 80%, mức cao nhất kể từ thời Tổng thống Kim Dae-jung đắc cử năm 1997.
Trong suốt chiến dịch, ông Moon Jae-in đã cố gắng thuyết phục các cử tri bảo thủ về các luận điểm mang tính tự do của mình. Ứng viên đảng Dân chủ đi vào lòng người với cam kết cải cách mạnh tay các tập đoàn gia đình trị (chaebol) vốn làm mưa làm gió ở quốc gia này, đồng thời giải quyết vấn đề bất bình đẳng và thất nghiệp dân số trẻ.
Cũng chính ông Moon là đối thủ sát sườn nhất của bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử năm 2012, nhưng sau đó đã bị đánh bại, khiến bà Park trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Bê bối tham nhũng của bà Park Geun-hye để lại dư chấn lớn khiến công chúng Hàn Quốc tập trung vào hy vọng, tân Tổng thống sẽ giải quyết được mối quan hệ nhập nhèm giữa các chaebol và chính giới – vốn tồn tại lâu đời ở quốc gia này.
"Hạ giọng" với Triều Tiên?
Tuy nhiên, cũng không thể bỏ quên quan điểm của ông Moon Jae-in trong vấn đề căng thẳng bán đảo liên Triều. Khi còn là một sinh viên vào những thập kỷ 1970, ông Moon từng bị bắt do biểu tình phản đối bố bà Park – lúc đó là Tổng thống Park Chung-hee. Ông khẳng định, một thập kỷ duy trì thái độ cứng rắn với Bình Nhưỡng vừa qua là sai lầm.
Theo các nhà quan sát, một khi hoàn thành quá trình bổ nhiệm Thủ tướng – vốn cần có sự thông qua của quốc hội, ông Moon được sẽ có các bước đi mềm mỏng với Triều Tiên – chính sách lấy cảm hứng từ nhà lãnh đạo từng đoạt giải Nobel Kim Dae-jung hay cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người ông Moon từng phục vụ với tư cách chánh văn phòng.
Điều này đồng nghĩa các đàm phán mở lại khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng hiếm hoi về sự hợp tác liên Triều có khả năng mở ra, sau khi khu này bị đóng vào đầu năm 2016. Các hoạt động trợ cấp do bà Park và người kế nhiệm “bất đắc dĩ” Lee Myung-bak cắt bỏ cũng sẽ được nối lại.
Các luồng phản ứng bảo thủ cảnh cáo, Bình Nhưỡng có thể lợi dụng quan điểm mềm mỏng của ông Moon trong vấn đề Triều Tiên để chia rẽ mối quan hệ đồng minh Seoul-Washington. Bởi sự bình tĩnh và quan điểm giảng hòa của ông Moon có phần trái ngược với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, những phát ngôn gần đây của ông Moon và chủ nhân Nhà Trắng đã giúp các quan ngại này tạm lắng xuống. Hai bên đều tỏ ý sẽ không quá khác biệt trong vấn đề Triều Tiên. Ông Trump miêu tả Kim Jong-un là “miếng bánh khôn ngoan” và sẽ “hân hạnh” gặp người lãnh đạo Triều Tiên trong thời điểm thích hợp. Mặt khác, ông Moon cho rằng, bản thân ông và Tổng thống Trump “trên cùng một con thuyền”, bất chấp khẳng định để giải quyết vấn đề Triều Tiên thì song với với áp lực ngoại giao hay lệnh trừng phạt, phải là đối thoại.
Một khi kết quả bầu cử được xác nhận, nhiệm kỳ của ông Moon sẽ bắt đầu ngay lập tức thay vì truyền thống chuyển giao trong vòng hai tháng, bởi chiếc ghế chủ nhân Nhà Xanh đã bị bỏ trống sau khi bà Park bị phế truất.
Đối với nhiều cử tri Hàn Quốc, một cuộc cải cách nội bộ và đem lại ổn định quốc gia là ưu tiên hàng đầu. Việc ông Moon cam kết cải tổ mạnh mẽ các chaebol quan trọng hơn nhiều so với quan điểm mềm mỏng của ông về vấn đề Triều Tiên. “Ông Moon không phải ứng viên tôi hài lòng nhất về mặt chính sách, nhưng tôi vẫn bầu cho ông ấy vì có vẻ đó là cơ hội chuyển đổi chính quyền tốt nhất hiện nay. Chúng tôi cần người lãnh đạo để có thể tin tưởng sau bê bối của bà Park”, theo Lee Ah-ram, một người dân Seoul 39 tuổi.