Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng loạt container điều xuất khẩu nghi bị lừa đảo, Eximbank, Vietinbank thiệt hại gì?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Eximbank, Vietinbank… là các ngân hàng có liên quan đến vụ việc hàng loạt container điều xuất khẩu nguy cơ mất trắng do có dấu hiệu bị lừa đảo. Đây là các ngân hàng được DN ủy nhiệm thu thông qua phương thức thu trả tiền trao chứng từ (D/P).

Ngân hàng được ủy nhiệm “thu trả tiền trao chứng từ”

Theo thông tin mới nhất, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành, cơ quan thương vụ ở Italia, Mỹ..., đến nay, 8/36 container điều đã được kiểm soát và giữ tại cảng. “Mặc dù vậy, vẫn nhiều rủi ro liên quan đến số container nhân hạt điều còn lại, bởi tất cả có nguy cơ mất trắng do có dấu hiệu bị lừa đảo" - lãnh đạo Vinacas nói.

Giao dịch tại Eximbank 
Giao dịch tại Eximbank 

Trước đó, ngày 8/3, Vinacas đã có công văn hỏa tốc về việc nhận được đơn kêu cứu của một số DN chế biến, xuất khẩu nhân điều. Theo đó, các DN này đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Italia thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Tổng 100 container trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, một số lô hàng đã đến cảng ở Italia, một số đang trên đường vận chuyển.

Tuy nhiên, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua tại Italia theo hướng dẫn, thì đều có sự thay đổi về số swift (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ, và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào; không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam đã liên hệ rất nhiều lần.

Những ngân hàng được các DN xuất khẩu điều ủy nhiệm thu thông qua phương thức thu trả tiền trao chứng từ (D/P) gồm Eximbank, Vietinbank, MB…

Đến ngày 9/3, Vinacas công bố chính thức chỉ có 36 container mất quyền kiểm soát. Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 100 container nhân điều sẽ xuất đi Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá trình thực hiện, một số container đã xuất phát đi. Khi đang trong quá trình thực hiện, thì các doanh nghiệp phát hiện có những dấu hiệu mờ ám, nghi bị lừa, nên đã kịp thời ngăn chặn những container chưa xuất phát. Nhờ vậy, con số container bị mất quyền kiểm soát chính xác là 36 chứ không phải gần 100 như một số thông tin đã đăng tải trước đó.

Hiện, vụ việc vẫn đang được các cơ quan liên quan phối hợp để xử lý, giải quyết và hỗ trợ các DN điều này.

Nếu chọn phương thức thanh toán D/P, phải chọn ngân hàng uy tín

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), về trách nhiệm và thiệt hại của ngân hàng thu hộ liên quan đến vụ việc nghi bị lừa đảo này, các DN đã sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P).

Cụ thể, DN xuất khẩu sẽ trao chứng từ gốc cho ngân hàng Việt Nam để ngân hàng chuyển sang cho ngân hàng mà nhà nhập khẩu chỉ định. Nhận được chứng từ, ngân hàng sẽ yêu cầu DN nhập khẩu thanh toán, thanh toán xong mới trao chứng từ gốc để nhà nhập khẩu nhận hàng.

Theo Quy tắc thống nhất về nhờ thu (URC) số 522 của Phòng Thương mại quốc tế (ICC), trong phương thức thanh toán nhờ thu này thì ngân hàng chỉ có vai trò là trung gian thu hộ và có trách nhiệm xác định các chứng từ mình nhận được là đúng với chỉ thị nhờ thu và thông báo cho bên nhận không chậm chễ.

“Ngân hàng không có trách nhiệm trong việc xác nhận hàng hóa xuất khẩu, tính chính xác của bộ chứng từ giao hàng và không chịu trách nhiệm về việc thất lạc, cắt xén, mất mát chứng từ đang vận chuyển trên đường”- luật sư Tuấn nói.

Vì vậy, nếu ngân hàng Việt Nam đã thực hiện đúng theo chỉ thị nhờ thu thì ngân hàng sẽ hoàn toàn được miễn trách nhiệm trong việc chứng từ gốc bị mất. Tuy nhiên, khi nhận thấy phương thức D/P sẽ tạo rủi ro cao đối với các DN xuất khẩu, ngân hàng nên tư vấn hoặc cảnh báo đối với DN trong nước trước khi tiến hành giao dịch.

Một DN có kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản cho biết, DN ông cũng từng gặp tình huống tương tự. Tuy nhiên, khi đưa hồ sơ lên thì ngân hàng đã cảnh báo và DN này tránh được rủi ro. “DN nông nghiệp lợi nhuận “mỏng như lá lúa”. Thông thường, phương thức L/C bảo lãnh xuất khẩu là an toàn và ít rủi ro nhất. Tuy nhiên, chi phí ngân hàng cho dịch vụ này lại cao” - vị đại diện DN này nói và cho biết những cái khó khi DN vừa và nhỏ xuất khẩu nông sản.

Cũng theo vị này, nếu ngân hàng có kinh nghiệm, năng lực và quan hệ rộng với tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thì sẽ có những cảnh báo trước và hiệu quả nhằm giúp DN tránh được rủi ro.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, hiện nay, trong giao thương quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán. Mỗi phương thức có ưu, nhược điểm riêng. DN cần tìm hiểu kỹ các phương thức để lựa chọn phương thức cho phù hợp với yêu cầu, khả năng chấp nhận rủi ro và khả năng chi trả của DN mình. Nếu DN muốn đảm bảo khả năng rủi ro thấp cần phải trả chi phí cao cho phương thức thanh toán L/C là điều đương nhiên.

“Tuy nhiên, nếu chọn phương thức thanh toán D/P, DN nên thỏa thuận với nhà nhập khẩu đặt cọc tối thiểu 50% và phải chọn ngân hàng uy tín”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.