Hàng loạt quốc gia châu Á chạy đua phát triển vaccine “cây nhà lá vườn”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine Covid-19, bên cạnh việc đặt mua hoặc nỗ lực ngoại giao vaccine, một số nước châu Á đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.

Sau hơn 1 năm thử nghiệm, Đài Loan (Trung Quốc) hôm 23/8 vừa qua đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 nội địa do Công ty Công nghệ sinh học Medigen phát triển. Trung tâm Chỉ huy dịch tễ Đài Loan cho biết, vaccine đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 7 và khoảng 600.000 liều đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng.
 Đài Loan (Trung Quốc) hôm 23/8 vừa qua đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 nội địa do Công ty Công nghệ sinh học Medigen phát triển. Ảnh: Straitimes
Theo trung tâm này, dựa trên thử nghiệm giai đoạn 2, vaccine của Medigen có khả năng đạt hiệu quả chống Covid-19 lên tới 90%, kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine này được chứng minh “không kém” lượng kháng thể tạo ra sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết cung cấp sự hỗ trợ nhiều nhất có thể cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19 nội địa, thậm chí còn dành gói đầu tư trị giá 2,2 nghìn tỷ won (gần 1,9 tỷ USD) để hỗ trợ các hãng dược phẩm trong nước.
“Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện bước nhảy vọt để trở thành 1 trong 5 nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới vào năm 2025. Phát triển vaccine sẽ là 1 trong 3 công nghệ chiến lược quốc gia của Hàn Quốc, cùng với chất bán dẫn và pin”, Tổng thống Moon Jae-in cho biết.
Giới chuyên gia nhận định rằng Hàn Quốc, một trong những quốc gia có năng lực sản xuất dược phẩm sinh học lớn nhất thế giới và đã xuất khẩu 5,1 tỷ USD loại mặt hàng này vào năm ngoái, có tiềm năng trở thành "ông lớn" trong ngành công nghiệp vaccine toàn cầu. Hiện có 7 công ty Hàn Quốc tiến hành thử nghiệm lâm sàng 4 loại vaccine Covid-19 ở những giai đoạn khác nhau. SK Bioscience là công ty đầu tiên được cấp phép bắt đầu các thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine GBP510, và đặt mục tiêu đưa vaccine vào sử dụng từ giữa năm 2022. Bộ Y tế Hàn Quốc cũng tuyên bố năm tới sẽ triển khai tiêm các vaccine nội địa cho công chúng.
 Hiện có 7 công ty Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng 4 loại vaccine Covid-19 ở những giai đoạn khác nhau. Ảnh: Straitimes
Không thua kém quốc gia láng giềng, Nhật Bản có 4 ứng cử viên vaccine tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Start-up công nghệ sinh học AnGes là công ty đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 vào tháng 6/2020, tiếp đó là hãng dược phẩm Shionogi với một loại vaccine protein tái tổ hợp. Trong khi đó, Daiichi Sankyo - công ty dược phẩm hàng đầu Nhật Bản, đặt mục tiêu triển khai vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA vào năm sau. KM Biologics, công ty con của tập đoàn thực phẩm khổng lồ Meiji, cũng lên kế hoạch cung cấp 35 triệu liều vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt trong vòng 6 tháng kể từ khi được phê duyệt.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, vaccine Covaxin, sử dụng công nghệ virus bất hoạt của hãng Bharat Biotech, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp từ tháng 1, trước khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đã có khoảng 12 triệu liều vaccine Covaxin được sử dụng, với dữ liệu cho thấy đạt hiệu quả 77,8% trong chống các ca nhiễm có triệu chứng.
Bộ Công nghệ Sinh học Ấn Độ hôm 20/8 tuyên bố cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 nội địa thứ 2 có tên ZyCoV-D, do hãng Zydus Cadila sản xuất. Đây là loại vaccine Covid-19 ADN đầu tiên trên thế giới, có thể được đưa vào cơ thể bằng thiết bị tiêm không mũi kim với liệu trình 3 liều. Đối tượng sử dụng là người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi.
Để giảm phụ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu vốn đang khan hiếm, giới khoa học Thái Lan đã tự nghiên cứu nhiều loại vaccine, với 3 trong số 6 loại tiềm năng được đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ hồi đầu năm. Các nhà khoa học Thái Lan đã báo cáo những kết quả khả quan đối với 2 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng là ChulaCov-19, sử dụng công nghệ mRNA, và NDV-HXP-S, sử dụng công nghệ virus bất hoạt. Nhà nghiên cứu Kiat Ruxrungtham tại Đại học Chulalongkorn cho biết, vaccine ChulaCov-19 sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn hai trong tuần này, còn NDV-HXP-S vừa được tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2. Loại vaccine tiềm năng thứ 3 có tên Covigen sử dụng công nghệ DNA đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn một./.