Hàng ngàn héc-ta sản xuất vụ Xuân 2023 của Hà Nội đã có nước

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc chỉ có 2 đợt xả nước tăng cường từ hồ thuỷ điện, công tác chống hạn vụ Xuân 2023 tại Hà Nội được dự báo nhiều khó khăn. Dù vậy, trên tinh thần chủ động cao nhất, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước cho bà con.

6 trạm bơm vận hành hết công suất

Sáng 6/1, đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội đã đi kiểm tra công tác lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023 tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây). Đây là công trình thuỷ lợi đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác chống hạn của các địa phương khu vực phía Bắc của Hà Nội nói riêng.

Tại trạm bơm dã chiến Phù Sa, sáng nay, tranh thủ mực nước sông Hồng ở mức tốt, các công nhân đã vận hành 30 tổ máy bơm, công suất 1.000 m3/ giờ. Việc vận hành trạm bơm này thực tế đã được tiến hành từ 9 giờ sáng ngày 5/1 (trước thời điểm đợt lấy nước đầu tiên bắt đầu).

Ông Nguyễn Văn Quyến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác lấy nước tại trạm bơm dã chiến Phù Sa vào sáng 6/1. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Ông Nguyễn Văn Quyến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác lấy nước tại trạm bơm dã chiến Phù Sa vào sáng 6/1. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Phó Trạm trưởng trạm bơm dã chiến Phù Sa Nguyễn Hữu Tình cho biết, 19 cán bộ, công nhân tại trạm được phân công, túc trực 24/24 giờ để vận hành các tổ máy nhằm tranh thủ tối đa nguồn nước sông Hồng. Công tác ứng trực sẽ được đơn vị duy trì xuyên suốt đợt chống hạn vụ Xuân 2023.

Bên cạnh trạm bơm dã chiến Phù Sa, trong sáng 6/1, 5 trạm bơm khác dọc hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống cũng đã được các công ty thuỷ lợi tích cực vận hành. Cụ thể là trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh), trạm bơm Đan Hoài và trạm bơ dã chiến Bá Giang (huyện Hoài Đức), trạm bơm dã chiến Ấp Bắc (huyện Đông Anh), trạm bơm Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp thuỷ lợi, tính đến trưa nay, toàn TP đã có hơn 1.000ha canh tác vụ Xuân 2023 được cấp nước (bằng khoảng 1,5% so với kế hoạch), tập trung chủ yếu tại các huyện: Ứng Hoà, Ba Vì, Mỹ Đức. TP phấn đấu kết thúc đợt lấy nước đầu tiên (trước 24 giờ ngày 9/1), diện tích có nước đạt khoảng 7% kế hoạch gieo cấy toàn vụ Xuân 2023.

Công nhân vận hành lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023 tại trạm bơm dã chiến Phù Sa.
Công nhân vận hành lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023 tại trạm bơm dã chiến Phù Sa.

Không để lãng phí nguồn nước

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Tích Đặng Trần Dũng Tuấn, đơn vị phục vụ cấp nước sản xuất vụ Xuân 2023 cho thị xã Sơn Tây và các huyện như: Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất... Trong đó, khu vực có nguy cơ gặp khó về nguồn nước nhất là khoảng 300ha thuộc huyện Quốc Oai. Đây là khu vực người dân có tập quán canh tác muộn.

Cũng theo ông Tuấn, dự kiến mực nước sông Đà trong đợt xả tăng cường đầu tiên từ các hồ chứa thuỷ điện chưa thể bảo đảm để trạm bơm Trung Hà có thể vận hành. Tuy nhiên, trên tinh thần chủ động cao nhất, đơn vị đã lên phương án để bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thuỷ lợi, đặc biệt từ hồ Suối Hai.

Hà Nội phấn đấu kết thúc đợt 1 lấy nước, khoảng 7% diện tích vụ Xuân 2023 có đủ nước sản xuất.
Hà Nội phấn đấu kết thúc đợt 1 lấy nước, khoảng 7% diện tích vụ Xuân 2023 có đủ nước sản xuất.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đảm bảo nguồn nước cho vụ Xuân, EVN đã tăng cường phát điện trước 2 ngày. Trong đợt lấy nước đầu tiên, mực nước tại trạm thuỷ văn Hà Nội (khu vực chân cầu Long Biên) sẽ được giữ ở mức +1,7m để các công trình thuỷ lợi của TP có thể vận hành.

Cho ý kiến chỉ đạo tại buổi kiểm tra sáng 6/1, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, tận dụng tối đa những đợt xả nước tăng cường từ hồ chứa thuỷ điện để vận hành công trình thuỷ lợi dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống để lấy nước, bơm trữ vào kênh tiêu, ao hồ đầm, vùng trũng và đưa nước lên ruộng đồng. Trong đó lưu ý ưu tiên cấp nước cho những diện tích có nguy cơ gặp khó khăn về nguồn nước.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị chính quyền các địa phương vận động bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ Đông để tạo mặt bằng gieo cấy vụ Xuân 2023. Tích cực tuyên truyền để nông dân tranh thủ tối đa việc lấy nước, thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thuỷ lợi thực hiện đưa nước đến mặt ruộng; gia cố bờ vùng, bờ thửa, tránh rò rỉ, thất thoát, lãng phí nguồn nước. 

 

Đợt 1 lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2023 tại Hà Nội và 10 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu từ 0 giờ ngày 6/1/2023 và sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 9/1/2023 (tổng cộng 4 ngày). Vụ Xuân 2023, tổng diện tích gieo cấy của Hà Nội là hơn 101.700ha, trong đó, riêng diện tích lúa khoảng 81.200ha.