Đê biển Cà Mau trước mùa mưa bão 2023:

Hàng ngàn hộ dân ven đê lo mất trắng tài sản vì... chậm vốn làm đường

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đê biển Tây Cà Mau hiện vẫn còn 10km từ Khánh Hội đến Hương Mai chưa hoàn thành do nguồn vốn bị chậm. Hàng ngàn hộ dân đoạn đê này đang lâm vào cảnh khó khăn, luôn nơm nớp lo sợ nguy cơ mất trắng mỗi khi triều cường, nước biển dâng vào mùa mưa bão.

Một đoạn đê biển Tây chỉ là nền đất, nước biển luôn tràn qua mỗi mùa mưa bão
Một đoạn đê biển Tây chỉ là nền đất, nước biển luôn tràn qua mỗi mùa mưa bão

Ủi đắp bờ tạm để bảo vệ dân

Ngày 21/2, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, trước tình hình chậm vốn năm nay, có thể Cà Mau sẽ tính phương án ủi đắp bờ tạm để bảo vệ dân mùa mưa bão tháng 7, tháng 8 tới.

Mặt đoạn đê chỉ là bờ đất tạm bợ, nước biển dễ dàng tràn vào khu vực nhà ở và hoa màu của hàng ngàn hộ dân xã Khánh Tiến huyện u Minh
Mặt đoạn đê chỉ là bờ đất tạm bợ, nước biển dễ dàng tràn vào khu vực nhà ở và hoa màu của hàng ngàn hộ dân xã Khánh Tiến huyện u Minh

Theo ông Nam, tỉnh Cà Mau đã được đầu tư khoảng 55km đê biển Tây nằm trong chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, (đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa và đoạn từ Khánh Hội đến Sông Đốc). Các đoạn này hiện cơ bản đã đảm bảo ngăn mặn, ngăn nước biển, triều cường nước dâng để bảo vệ sản xuất của bà con bên trong vùng dự án. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 10km đoạn đê biển Tây từ Khánh Hội đến Hương Mai chưa hoàn thành. Đây là đoạn đê được Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ đầu tư khoảng 13 triệu euro, dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhưng hiện nay vẫn chưa được thực hiện.

Toàn tuyến đê biển Tây  tỉnh Cà Mau đã đạt cao rình + 3.0m, chỉ còn 10 km chỉ đạt cao trình +1.2-1.3m  do chưa có nguồn vốn
Toàn tuyến đê biển Tây  tỉnh Cà Mau đã đạt cao rình + 3.0m, chỉ còn 10 km chỉ đạt cao trình +1.2-1.3m  do chưa có nguồn vốn

Hiện tại, hiện trạng đoạn đê trên chỉ có cao trình +1.2-1.3m. Trong khi đó, các tuyến đê biển Tây đã hoàn thành đều đạt mức cao trình +3.0m. Với hiện trạng như vậy,10 km đoạn không đảm bảo ngăn triều cường sóng lớn trong mùa mưa bão.

Đoạn đê biển xung yếu luôn là nỗi lo của hàng ngàn hộ dân huyện U Minh mỗi mùa mưa bão
Đoạn đê biển xung yếu luôn là nỗi lo của hàng ngàn hộ dân huyện U Minh mỗi mùa mưa bão

Theo người dân nơi đây cho biết, những năm gần đây nhất là khoảng tháng 7,8 thường xuất hiện các đợt triều cường, nước dâng cục bộ khiến  đoạn đê từ Khánh hội đến Hương Mai thường xuyên bị nước tràn qua đê. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của hàng ngàn người dân ở 2 xã Khánh Tiến và Khánh Hội (huyện U Minh).

Trong chuyến khảo sát tháng 2/2023, Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau dự tính sẽ ủi đắp bờ tạm để đối phó mùa mưa bão 2023 
Trong chuyến khảo sát tháng 2/2023, Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau dự tính sẽ ủi đắp bờ tạm để đối phó mùa mưa bão 2023 

Hơn 50 năm sinh sống gần tuyến đê, ông Nguyễn Hoàng Em (ấp 2, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) nhiều lần chứng kiến cảnh mực nước triều cường dâng tràn qua mặt đê, có đợt triều cường cục bộ tràn qua ngập nhà người dân. Cây trái không chịu mặn được cũng bị hư hại gần hết, hàng chục công tôm nuôi của gia đình ông nhiều lần mất trắng. Ông mong chờ Nhà nước sớm làm con đê trên để người dân bớt khổ.

Cùng hoàn cảnh với ông Hoàng Em, bà Nguyễn Thị Hận (ngụ ấp 3, xã Khánh Tiến) chia sẻ: “Mong Nhà nước sớm nâng cấp tuyến đê này bởi khi có gió bão, nhà nào có người bệnh phải cõng bộ nhiều cây số mới tới được đường bê tông để đưa đi bệnh viện.”

Người dân Khánh Tiến U Minh mong mỏi Nhà nước sớm đầu tư xây dựng đoạn đê
Người dân Khánh Tiến U Minh mong mỏi Nhà nước sớm đầu tư xây dựng đoạn đê

Theo ông Tô Quốc Nam, trước thực trạng nêu trên, nhiều năm nay tỉnh Cà Mau đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT sớm triển khai dự án đoạn đê để bảo vệ tính mạng và tài sản người dân. Về giải pháp trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh cho đắp bờ lên cao trình +2.5m, chiều rộng chân đê khoảng 2m và mặt đê khoảng 1m để đảm bảo nước không tràn qua đê trong năm 2023.

“Trước mắt, sở đề xuất giải pháp khẩn cấp là dùng xe ủi đất đắp bờ tạm lên cao 1m để chắn sóng, ngăn nước biển tràn qua đê. Nhưng chỉ là giải pháp tình thế tạm bợ, vì vậy năm sau lại phải gia cố lại bằng phương pháp trên, nhưng như vậy sẽ rất tốn kém và lãng phí. Nhưng vì bảo vệ người dân, chúng tôi buộc phải thực hiện” – ông Nam chia sẻ.

Một đoạn đê biển Tây ở gần tỉnh Kiên Giang
Một đoạn đê biển Tây ở gần tỉnh Kiên Giang

“Tuy nhiên về giải pháp lâu dài, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm triển khai thực hiện các dự án đoạn đê còn lại hoàn thành trong giai đoạn 2023 – 2025, để nối liền tuyến đê biển Tây từ giáp tỉnh Kiên Giang về tới Sông Đốc. Việc này nhằm tránh lãng phí kéo dài, vừa mang tính chắc chắn đồng bộ và là phương án tối ưu để bảo vệ tính mạng tài sản của người dân” - ông Tô Quốc Nam nói.