Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng rong “tung hoành” phố cấm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình trạng bán hàng rong, hàng quán, chợ cóc họp lộn xộn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang tái phát trở lại. Các đơn vị thực hiện “khoán quản” chưa làm “tròn” nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự của mình.

KTĐT - Tình trạng bán hàng rong, hàng quán, chợ cóc họp lộn xộn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang tái phát trở lại. Các đơn vị thực hiện “khoán quản” chưa làm “tròn” nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự của mình. Trước ngày Đại lễ, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để mang lại sự phong quang, sạch đẹp cho thành phố.

Hàng rong: Cấm cứ cấm

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra và xử lý hơn 170.000 trường hợp vi phạm các Quyết định số 46/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về quản lý hoạt động bán hàng rong và Quyết định số 20/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng hè phố lòng đường, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.

Trong số này, có tới hơn 12.000 vi phạm bán hàng rong. Trên thực tế, sau rất nhiều lần lực lượng chức năng của thành phố, UBND các quận, phường ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, tạo ra những chuyển biến tích cực về trật tự đô thị tại các tuyến phố, khu vực không được phép bán hàng rong thì hiện tại có vẻ như “đâu lại vào đấy”.

Ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự Công an Hà Nội cho biết: Việc người dân tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán là tương đối trầm trọng. Ông Bình cho rằng không thể để Hà Nội đón đại lễ 1.000 năm trong cảnh “nhếch nhác” như vậy. Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội bức xúc: Tình trạng bán hàng rong, hàng quán, chợ cóc họp lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang tái phát trở lại. Dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh lộn xộn này trên hầu khắp các tuyến phố. Đặc biệt, vào đầu giờ sáng và chiều tối tại Hàng Đào, Hàng Đường, Thái Hà, Chùa Bộc, Đê La Thành, quần áo, giày dép, túi xách, đồ trang sức... được bày la liệt trên vỉa hè lòng đường.

Ở đường Nguyễn Chí Thanh là sách báo, tạp chí, đường Thanh Niên là hàng ăn uống, hoa quả, thực phẩm tươi sống và đường Tôn Thất Thiệp là đồ cũ, điện tử, điện máy... Đáng nói hơn, những người bán hàng rong này thường xuyên có hành vi đối phó với lực lượng chức năng bằng hình thức xách túi, bán trên xe đạp, lánh vào ngõ ngách khi thấy người thi hành công vụ...

Nguyên nhân, theo bà Mai, trước hết là do chính quyền cơ sở ở một số địa bàn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý bị buông lỏng, lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp còn mỏng, thiếu lực lượng duy trì dẫn tới tình trạng tái phạm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh...

Khoán quản” chưa “tròn” vai

Hơn một năm sau ngày triển khai, mô hình “khoán quản” được đông đảo người dân ủng hộ. Doanh nghiệp trông giữ xe đều có biển hiệu, bảng thu phí chịu sự giám sát của cộng đồng, do đó người dân an tâm hơn khi gửi phương tiện, không có trường hợp nào mất xe đạp, xe máy, phụ tùng ô tô.

Tuy nhiên, sở dĩ phải nói “khoán quản” chưa tròn vai là bởi hơn một năm trước, khi Hà Nội quyết định thí điểm mô hình này trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Sở GTVT Hà Nội đã xác định lấy lợi ích từ dịch vụ công để duy trì trật tự công. Cụ thể là giao cho doanh nghiệp thu lợi nhuận từ việc trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô, kèm theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện một phần trách nhiệm trong đảm bảo TTĐT, TTATGT, vệ sinh môi trường...

Qua thực tế, có thể thấy rõ rằng các doanh nghiệp “khoán quản” mới chỉ “khoán” (dựng biển thu tiền trông giữ xe) mà chưa “quản” hay nói cách khác mới chỉ “lấy lợi ích từ dịch vụ công” chứ chưa “duy trì trật tự công”. Cụ thể hơn, họ mới chỉ làm tròn nhiệm vụ trông giữ phương tiện mà buông lỏng việc giữ trật tự đô thị, cảnh quan hè phố, ngăn chặn kinh doanh lấn chiếm vỉa hè và tình trạng xả rác bừa bãi ra đường.

Tại một cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng ban, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, Hà Nội quyết định tái khởi động chiến dịch lập lại tuyến phố “văn minh đô thị”.

Cũng tại cuộc họp này, có ý kiến cho rằng cần nhân rộng mô hình “khoán quản” kết hợp với dịch vụ công để giữ gìn trật tự công cộng trên địa bàn thành phố, đặc biệt trên 63 tuyến phố và 48 khu vực không được phép bán hàng rong. Tuy nhiên, nếu không “xiết” lại việc thực hiện khoán quản thì có chắc là mô hình này sẽ phát huy được tác dụng, sẽ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ “lấy lợi ích từ dịch vụ công để duy trì trật tự công”?