Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng thủ công mỹ nghệ: Cải tiến mẫu mã để tăng sức cạnh tranh

Nguyễn Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, để nâng cao chuỗi giá trị, các DN thủ công mỹ nghệ (TCMN) làng nghề còn cần phải đầu tư cải tiến mẫu mã để đáp thị hiếu của người tiêu dùng.

Sản phẩm sơn mài Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền
Nâng cao giá trị xuất khẩu nhờ mẫu mã
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước (1.350 làng có nghề). Với truyền thống lâu đời, những sản phẩm độc đáo đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề TCMN đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng sự cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường thế giới ngày càng gay gắt. Các chuyên gia cho rằng, nếu làng nghề chỉ sản xuất theo ý thích của mình mà không đầu tư khai thác nhu cầu thị trường thì khó đưa hàng ra nước ngoài chứ chưa nói đến cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước.
Từ năm 2012, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương thường niên tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội”, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, phát huy ý tưởng sáng tạo, phát triển mẫu sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm TCMN, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế nhất. Sản phẩm được chấm điểm theo thang điểm 100, dựa trên 4 tiêu chí: Tính sáng tạo (30 điểm), tính thương mại (30 điểm), tính thân thiện môi trường (20 điểm), tính thẩm mỹ (20 điểm).
Trong khi đó, có một thực tế là suốt một thời gian dài, nhiều làng nghề ở Hà Nội “mạnh ai nấy làm”, không có định hướng lâu dài nên mất dần thương hiệu, chấp nhận làm gia công, thậm chí làm nhái thương hiệu khác để sinh tồn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều làng nghề đã nhận ra điểm yếu này nên chú trọng hơn đến đầu tư vào khâu tìm hiểu khách hàng, sáng tạo mẫu mã phù hợp thị trường. Một số DN làng nghề đã thành lập đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, có đầu tư, đào tạo bài bản.

Bước chuyển này, ngoài bài học từ thị trường mang lại còn có sự định hướng từ chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan.

Ông Phùng Quốc Dũng (xã Bát Tràng, Gia Lâm) tham gia cuộc thi nhiều năm và từng đoạt giải Nhất cuộc thi năm ngoái khẳng định, thông qua những cuộc thi về thiết kế mẫu mã như thế này đã giúp các làng nghề hiểu hơn về khách hàng quốc tế. Từ đó sản xuất những mẫu mã tốt nhất phục vụ xuất khẩu. Không chỉ vậy, làng nghề cũng được nâng cao nhận thức về vai trò của mẫu mã sản phẩm, chú trọng đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh về lâu dài.

Hiệu quả từ một cuộc thi

Cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN” Hà Nội đã được tổ chức thường niên. Theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cuộc thi đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, thợ giỏi tăng theo từng năm, cho thấy họ đã nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế mẫu mã sản phẩm trong kinh doanh. Qua các lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút hàng trăm đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP tham dự. Đã có hàng nghìn mẫu sản phẩm TCMN mới được tạo ra, nhiều sản phẩm đã đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho DN.

Năm nay, cuộc thi được tổ chức với chủ đề “Sản phẩm TCMN gắn với phát triển làng nghề và du lịch Hà Nội”. Ban Tổ chức cuộc thi đặt mục tiêu tạo ra từ 250 - 300 mẫu sản phẩm TCMN có thiết kế mới nhằm hỗ trợ các làng nghề Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Các cá nhân dự thi sẽ được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực TCMN trong và ngoài nước tư vấn, định hướng, đóng góp ý kiến trong quá trình thiết kế và hoàn thiện sản phẩm.
Theo ông Đàm Tiến, các sản phẩm đạt giải cuộc thi sẽ được trưng bày tại khu trưng bày đặc biệt của Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2018 tổ chức tháng 10/2018.

Cũng trong khuôn khổ cuộc thi, Hà Nội sẽ tổ chức vinh danh khen thưởng các Nghệ nhân tiêu biểu ngành TCMN năm 2018. Đối tượng được vinh danh, khen thưởng là các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và Nghệ nhân Hà Nội.