Hàng nội lên ngôi
Tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Cầu Giấy, Xuân Thủy, Chùa Bộc, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…, theo ghi nhận của phóng viên, khách hàng lựa chọn các loại quần áo thu đông ngày càng tấp nập hơn. Để thu hút khách, hầu hết các cửa hàng đều treo biển giảm giá 40 - 50% các sản phẩm. Năm nay, các loại quần áo thu đông rất đa dạng về thương hiệu, mẫu mã và chất liệu. Trong đó, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn (70 - 80%).
Chị Bùi Tuyết Nhung - chủ cửa hàng quần áo tại số 255 Cầu Giấy cho biết, lượng khách bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 9, lượng hàng nhập về cũng tăng 200 - 300 chiếc/đợt (tăng 100 - 120%) so với trước đó: “Khách chủ yếu lựa chọn áo da, kiểu dáng lịch lãm, hoặc áo phao, thể hiện sự năng động. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán được 15 - 20 chiếc, chủ yếu là hàng Việt Nam xuất khẩu”.
Người tiêu dùng lựa chọn quần áo thu đông tại Trung tâm thời trang 163 Thái Hà. Ảnh: Khắc Kiên.
|
Trong khi đó, Trần Huyền Thư – nhân viên shop thời trang tại 134 Xuân Thủy cho hay, mấy năm trước, shop chủ yếu bán hàng nhập khẩu thương hiệu ngoại, hoặc xuất xứ Trung Quốc. Nhưng 1 - 2 năm trở lại đây, cửa hàng đã nhập hàng Việt Nam nhiều hơn. Thực ra hàng của Việt Nam không thua kém hàng ngoại, chỉ là kỹ thuật may của ta chưa bằng, nhưng bù lại, giá cả hợp lý hơn. Cũng theo nhân viên này, do mới chớm lạnh nên khách hàng chủ yếu lựa chọn các loại sản phẩm Thu, đặc điểm mỏng, nhẹ và gọn. Để nhập thêm hàng mới, shop đã có chiến lược xả hàng cũ, với giá giảm từ 30 - 50%.
Đi mua quần áo cho con, chị Nguyễn Thị Mai (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) cho biết, áo len của trẻ trai và trẻ gái năm nay rất nhiều mẫu đẹp, giá cả cũng tương đương như năm ngoái. Các loại áo khoác và áo da nhìn rất đẹp và lịch lãm. Nhưng do mới đầu mùa lạnh, chị chủ yếu lựa chọn các sản phẩm mỏng và gọn. “Tôi ưu tiên hàng của Việt Nam hơn, nếu giá cả bằng nhau, chắc chắn sẽ lấy hàng Việt thay vì hàng ngoại. Điểm yếu của hàng Việt Nam là không có nhiều mẫu mã bắt mắt, không ra nhiều kiểu mới so với năm trước. Bên cạnh đó, tôi thấy nhiều cửa hàng treo biển giảm giá nhưng thực chất họ chỉ nâng giá gốc lên, sau đó treo biển giảm giá” - chị Mai nói.
Yên tâm về chất lượng
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người tiêu dùng cho biết, giá cả quần áo năm nay không đắt hơn năm trước. Khách hàng thường chọn mua hàng Made in Việt Nam với các mẫu quần áo len, áo khoác, áo phao đa dạng. Tại Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2, số 163 Thái Hà, chị Nghiêm Thị Thủy (phường Nam Đồng, Đống Đa) chia sẻ: "Năm nay thấy chất lượng hàng Việt tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn nhiều, dùng hàng Việt Nam yên tâm, giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của người dân, nhất là giới công chức. Do vậy, tôi đã chọn 3 bộ cho người thân". Còn bác Ngô Văn Dương (Phố Huế, Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Vào đầu mùa, tôi đi mua áo lạnh để hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bởi, dùng hàng Việt, tôi thấy yên tâm về chất lượng cũng như giá cả hợp lý, lại góp phần kích cầu sản xuất, kinh doanh trong nước".
Ngoài các cửa hàng, shop thời trang, địa điểm được một số người lựa chọn là các điểm xả hàng. Tại đây, các mặt hàng áo khoác, áo phao, áo len hoặc khăn được giảm giá khá mạnh. Giá mỗi sản phẩm chỉ từ 100.000 - 250.000 đồng, thường thu hút sinh viên hoặc những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, các sản phẩm này thường có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc hàng tồn kho, đã lỗi mốt từ những năm trước, hoặc có những sản phẩm đã qua sử dụng. Chính vì thế, nhiều người có kinh nghiệm mua sắm khuyến cáo, cần cảnh giác với các chiêu lừa đảo thu hút khách của các cửa hàng nhân dịp nhu cầu mua tăng mạnh, bởi nhiều cửa hàng bên ngoài treo biển giảm giá hoặc khuyến mại, nhưng thực chất giá cả không hề thay đổi, thậm chí còn đắt hơn. Điều này cũng cho thấy, các DN trong nước muốn cạnh tranh trên chính sân nhà và để người tiêu dùng lựa chọn cần tiếp tục cải tiến mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý để nâng cao sức cạnh tranh, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.