Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt đang thiếu chiến lược dài hạn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng hóa Việt Nam đang hướng đến việc khẳng định vị thế của mình tại kênh bán lẻ hiện đại.

Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa chưa đồng đều đang là vấn đề mà DN Việt cần phải khắc phục trong quá trình sản xuất cung ứng hàng hóa.

Tỷ trọng không đồng đều

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy nhờ tác động tích cực của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại đã lên tới 80 - 90%. Tuy nhiên cơ cấu hàng hóa chưa đồng đều ở từng ngành hàng. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại tùy vào từng loại hình bán lẻ và quy mô siêu thị mà có tỷ lệ bày bán khác nhau. Cụ thể, với loại hình siêu thị tổng hợp như Co.opmart, Hapromart, Fivimart, BigC… tỷ lệ hàng Việt chiếm tới 80 - 90%… Trong khi tại siêu thị hoặc cửa hàng chuyên doanh điện máy như Nguyễn Kim, Pico, HC, Media Mart... thì hàng Việt chỉ chiếm chưa đầy 50%. Thậm chí ngay cả đối với mặt hàng dệt may, vốn là thế mạnh của DN Việt Nam, hàng Việt chỉ xuất hiện ở phân khúc bình dân.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Pico. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Pico. Ảnh: Hoài Nam
Không chỉ mặt hàng dệt may mà ngay trong ngành thực phẩm, tỷ trọng từng nhóm hàng cụ thể cũng có sự chênh lệch. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị FiviMart) cho biết: Mặc dù 90% sản phẩm bán trong siêu thị Fivimart là hàng Việt nhưng thực tế mặt hàng bán được nhiều nhất là đồ uống, hàng đông lạnh, thực phẩm, nông sản... Nguyên nhân của hiện tượng này là do hàng hóa Việt bán trong siêu thị mặc dù chiếm tỷ lệ cao, song nhìn chung mẫu mã đơn điệu, chưa có sản phẩm nào mang tính sang trọng, bền đẹp. Bên cạnh đó hàng Việt phải qua quá nhiều khâu trung gian nên bị “đội giá”.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Khái niệm “hàng Việt Nam” chưa được định nghĩa chính xác. Bao nhiêu phần trăm bộ phận, chi tiết được sản xuất ở Việt Nam thì được coi là hàng Việt? Câu hỏi này xuất phát từ thực trạng trong quá trình sản xuất nhiều DN phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Vừa qua, BKAV đưa ra thị trường sản phẩm Bphone nhưng các chi tiết cấu thành sản phẩm quan trọng như ram, chíp… đều phải nhập khẩu. Vậy sản phẩm này có được coi là hàng Việt?

Cần quy hoạch hệ thống ngành hàng 
Việc bán hàng trực tuyến tuy khá mới mẻ nhưng thu hút được nhiều người tiêu dùng sử dụng khi mua sắm. Vì vậy DN bán lẻ nên đẩy mạnh triển khai mô hình này.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - Đinh Thị Mỹ Loan

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam từ nay đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu đưa tỷ trọng bán lẻ hiện đại từ khoảng 20% hiện nay lên 40% vào năm 2020. Nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi chính Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương.

Bên cạnh đó, các DN sản xuất trong nước cần tăng cường tính hấp dẫn bằng những yếu tố cạnh tranh như: Giá thành, mẫu mã, chất lượng, DN trong quá trình sản xuất nên nắm rõ tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, từ đó lựa chọn những mặt hàng ưu tiên sản xuất. Đồng thời trong quá trình xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nên xác định rõ sản phẩm nào đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, mặt hàng nào tiêu thụ tại hệ thống chợ truyền thống. Ngoài ra, DN nên đa dạng hóa các loại hình bán lẻ hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thành công như: Cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, kho hàng, trung tâm mua sắm, bán hàng theo catalogue… Bên cạnh đó, các DN sản xuất cần tăng cường kết nối lắng nghe ý kiến của các nhà phân phối, bán lẻ hiện đại để điều chỉnh việc sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Có như vậy là bởi trong thời gian tới khi hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm đến 40% thị phần như quy hoạch sẽ chi phối ngược lại quá trình sản xuất.