Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt trầy trật tìm đường vào siêu thị

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 7 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị nước ngoài đã nâng cao.

Nhưng nghịch lý là ngay chính “sân nhà”, các DN Việt đang trầy trật khi  đưa hàng vào siêu thị do mức chiết khấu quá cao và hàng loạt loại phí không tên khác.

Doanh nghiệp và nhà bán lẻ chưa gặp nhau

Thông tin từ Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho thấy, thời gian gần đây, tỷ trọng hàng Việt Nam bán tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã giảm khoảng 3 – 5% so với năm trước. Chẳng hạn, nếu trước đây các mặt hàng Việt Nam chiếm đến 95% cơ cấu hàng hóa của Big C thì hiện chỉ dao động trong khoảng 88 - 91%. Nguyên nhân của tình trạng này là do siêu thị đưa ra tiêu chí không rõ ràng lại quá ngặt nghèo.

Theo ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH: Hiện chi phí chiết khấu của hệ thống siêu thị dao động từ 15 - 20% doanh thu, ngoài ra hàng năm đều đề nghị tăng thêm mức chiết khấu từ 0,5 - 2% điều này dẫn đến nghịch lý DN đưa hàng hóa vào càng lâu thì mức chiết khấu càng cao. Phản ánh của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, các siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20 - 35% so với giá bán của nhà cung cấp, điều này khiến giá bán nhiều mặt hàng thủy sản trong siêu thị cao hơn hệ thống chợ truyền thống.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
Nhiều DN còn bức xúc việc các siêu thị thanh toán hợp đồng cho DN khá chậm, ít nhất 30 - 45 ngày mới được thanh toán, điều này không khác gì việc các siêu thị đang chiếm dụng vốn của DN. Đối với sản phẩm được bán cho siêu thị theo hình thức mua đứt bán đoạn thì siêu thị lại ép DN bằng cách ấn định giá mua vào thấp hơn hẳn giá DN bán ngoài thị trường.

Việc hàng nội sụt giảm còn do mục đích kinh doanh của DN sản xuất và bán lẻ chưa “gặp nhau”. Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - siêu thị khi mua hàng hóa đều yêu cầu DN cung cấp phải xuất hóa đơn đầu vào nhưng có DN lại đề nghị gộp nhiều đơn hàng mới xuất hóa đơn nên 2 bên không thể “gặp nhau”. Ở hướng ngược lại, nhiều siêu thị đã chiết khấu khá cao.

Cần hỗ trợ hàng Việt

Nhằm tăng lượng hàng Việt vào chuỗi bán lẻ hiện đại các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cơ quan quản lý nên xây dựng quy định cụ thể, qua đó DN sản xuất với DN bán lẻ liên kết chặt chẽ trong việc tiêu thụ hàng Việt.

Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công - tư để kết nối hàng Việt với các kênh phân phối”, do Bộ Công Thương vừa tổ chức, các DN sản xuất có chung ý kiến cơ quan quản lý cần ra quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm cho các nhà phân phối. Đồng thời xây dựng hạn ngạch hàng nhập khẩu theo đúng các điều khoản FTA mà Việt Nam đã ký kết, qua đó bảo hộ hàng trong nước. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần kiểm tra xem có hay không việc nhà phân phối nước ngoài chỉ áp dụng ưu đãi cho hàng nhập khẩu, không ưu đãi hàng Việt như đã cam kết. Bộ Công Thương nên thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương, qua đó DN nhà sản xuất và phân phối đưa ra những giải pháp hợp lý trong quá trình đưa hàng Việt tiếp cận tới người tiêu dùng.

Đồng tình với những ý kiến này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong công tác kết nối giữa các nhà sản xuất với các nhà phân phối cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp cho DN Việt đứng vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. “Nên thành lập hiệp hội các nhà cung ứng hàng hóa để cùng nhau đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trước những đòi hỏi bất hợp lý từ phía siêu thị” - ông Vũ Vinh Phú đề xuất.

Đã đến lúc cần sự tham gia sâu sát của các bộ, ngành liên quan trong việc kết nối cung - cầu hàng hóa. Nếu ngành công thương phân vai rõ trách nhiệm cho các bên, chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho hàng Việt tới người tiêu dùng, qua đó giúp hàng Việt giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập.