Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, an toàn thực phẩm có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương là một trong Ba đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Đáng chú ý, việc đẩy mạnh cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ATTP đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Năm 2018, nhằm khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản an toàn của các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước.
Cũng tại Hội thảo các cơ quan hữu quan, các hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối cũng như các doanh nghiệp, chuyên gia đã trao đổi, phân tích về những vấn đề như: Quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm; Chính sách phát triển mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo vệ người tiêu dùng; Hỗ trợ phát triển các thương hiệu thực phẩm an toàn; Kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trong công tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; Kinh nghiệm xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm.
Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn” đã chia sẻ cái nhìn toàn diện và rõ nét về vai trò cũng như trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, hội thảo cũng góp phần kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn với những kênh phân phối hiện đại và tới tay người tiêu dùng.