Hành lang tỉnh lộ 423 bị xâm hại nghiêm trọng: Buông lỏng việc xử lý vi phạm?

Đạt Lê - Gia Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục thời gian qua, Đường dây nóng báo Kinh tế & Đô thị nhận được thông tin phản ánh bức xúc của người dân về việc hành lang đường tỉnh lộ 423 (tỉnh lộ 72 cũ) huyện Hoài Đức bị xâm hại nghiêm trọng. Kéo theo đó là tình trạng mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trên tuyến đường.

Hành lang đường bị chiếm dụng tràn lan
Theo phản ánh của người dân, nhiều tháng qua, dọc hai bên hành lang tuyến đường tỉnh lộ 423 (đoạn qua địa phận xã An Thượng, huyện Hoài Đức) luôn trong tình trạng bị các cửa hàng, nhà xưởng kinh doanh lấn chiếm. Theo đó, với chiều dài khoảng hơn 1km, đoạn đường này bị hàng hóa như: Máy móc, vật liệu, gỗ… bày biện tràn lan chiếm dụng.
Hàng lang đường 423 đang bị chiếm dụng tại địa phận xã An Thượng, huyện Hoài Đức. Ảnh: Gia Huy.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên đường tỉnh lộ 423, mặt đường khá nhỏ hẹp, tuy nhiên vào giờ cao điểm mật độ phương tiện đông. Ngoài một số tuyến buýt chạy liên tục chiều  Hà Đông - Quốc Oai - Thạch Thất - Sơn Tây thì lượng xe tải qua tuyến đường này cũng rầm rộ. Thế nhưng, từ đoạn dốc đê sông Đáy qua thôn Thanh Quang (xã An Thượng) có khoảng chục xưởng gỗ, máy móc chiếm dụng dọc hành lang đường. Tại đây, một số cơ sở kinh doanh đã tập kết những đống gỗ cây, gỗ thành khí ngay sát lề đường bất chấp quy định.
Ngoài ra, vật liệu gỗ tập kết, một số quán ăn cũng bày biện bàn ghế tràn lan lề đường. Chia sẻ bức xúc, anh Nguyễn Quang Lập (chuyên lái xe tải tên ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) thường xuyên chạy qua khu vực cho biết: “Đường nhỏ hẹp, đã vậy những cây gỗ kích thước khủng trưng sát lề, cứ như đâm thẳng ra đường. Cánh lái xe lâu nay qua khu vực này luôn phải cảnh giác không va quệt, tai nạn như chơi”.
Biển báo trưng ngay giữa đoạn đường xuống cấp trên tỉnh lộ 423, gây nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Ảnh: Gia Huy.
Cũng theo người dân khu vực, lượng xe tải chở vật liệu, gỗ qua đây liên tục đã “băm nát” mặt đường khiến cho thảm nhựa trên lòng đường hiện nay trong cảnh nham nhở. Nhiều đoạn xuất hiện "ổ trâu, ổ voi" mỗi khi mưa xuống nước lầy lội tiềm ẩn nguy hiểm đối với các phương tiện qua lại. Thực tế, đã xảy va chạm, tự gây tai nạn vì đường xuống cấp trong thời gian qua.
Tại khu vực thôn Thanh Quang, hành lang đường bị chiếm dụng, lòng đường xuống cấp nhiêm trọng. Để khắc phục tình trạng đường xuống cấp, người dân sống bên đường sợ bùn đất bắn vào nhà, hàng quán nên một số hộ còn trưng biển báo, vật dụng chắn ngay giữa đường. Mỗi khi trời tối, đường bị chắn cũng rất nguy hiểm đối với người tham gia giao thông.
Bao giờ xử lý dứt điểm những vi phạm?
Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường còn xuất hiện một số điểm tập kết vật liệu xây dựng. Rất nhiều đống gạch, đá, cát, sỏi được chủ chơ sở tập kết ngay sát lòng đường gây cản trở giao thông. Mỗi khi công công, xe bò chở vật liệu thì lượng cát, sỏi rơi vãi ra trên đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn vì các phương tiện khi đi qua đây nếu không chú ý sẽ rất dễ bị trượt ngã.
Lề đường thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: Gia Huy.
Để làm rõ những vấn đề bức xúc của người dân trước hành vi xâm hại hành lang ATGT trên tỉnh lộ 423 nói trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Chí Lương - Chủ tịch UBND xã An Thượng. Tại buổi làm việc, sau khi phóng viên cung cấp hình ảnh, clip, Chủ tịch xã An Thượng thừa nhận có hành vi xâm hại trên tuyến đường chạy qua địa bàn xã. Cùng lúc, ông Lương đã gọi điện chỉ đạo lực lượng Công an xã An Thượng xuống hiện trường xử lý, yêu cầu chủ xưởng gỗ thu dọn biển báo, vật dụng trưng giữa đường.
“Ban Chỉ đạo 197 xã An Thượng vẫn thường xuyên duy trì công tác nhắc nhở, xử lý vi phạm về trật tự giao thông, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè. Nhưng với việc trưng biển ra giữa đường như vậy thì quá nguy hiểm, chúng tôi tiếp nhận và cho xử lý ngay”, ông Lương nói.
Cũng theo ông Lương, về công tác xử lý vi phạm hành lang đường 423, thời gian qua, tổ công tác của xã đã tiến hành nhắc nhở, vận động 38 trường hợp tự tháo dỡ biển quảng cáo, mái vẩy che khuất tầm nhìn. Tổ công tác đã tiến hành tháo dỡ 85 mái vẩy, 61 biển quảng cáo lấn chiếm hành lang ATGT, phá bỏ 135 bục bệ bê tong bên đường…
Hành lang đường 423 đang bị chiếm dụng làm nơi tập kết những khối gỗ khủng. Ảnh: Gia Huy.
Phóng viên đề cập đến việc xử lý đối với những bãi gỗ khổng lồ chiếm dụng lề đường, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: Hiện có 3 xưởng lớn kinh doanh gỗ, lực lượng chức năng của xã đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu viết cam kết không lấn chiếm hành lang ATGT. “Chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa xử phạt hành chính hộ nào”, ông Lương nói.
Về hướng xử lý đối với hàng loạt hành vi xâm hại hành lang ATGT trên đường 423, Chủ tịch xã An Thượng khẳng định: Thời gian tới đây, Ban chỉ đạo 197 xã An Thượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; yêu cầu các hộ kinh doanh vi phạm ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả trả lại nguyên trạng ban đầu cho hè phố, lòng đường. Đồng thời, tập trung kiểm tra xử lý vi phạm theo hình thức “cuốn chiếu” không để bỏ sót vi phạm. Kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối, cố tình vi phạm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường  gây mất mỹ quan đô thị…
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần