Nước mắt và nụ cười
Kết hôn đã 5 năm, chị N.T.Đ. (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) mới sinh được bé gái đầu lòng. Bé gái là thành quả suốt ngần ấy năm chị cùng chồng trải qua hành trình “kiếm con” gian nan và đầy nước mắt.
Sau kết hôn, khi đi kiểm tra sức khỏe, chị Đ. “ngã ngửa” khi biết vợ chồng mình khó có con. Khát khao được làm mẹ khiến chị Đ. nhiều đêm không ngủ. Dù được gia đình hai bên động viên, chị vẫn không mấy nguôi ngoai.
Sau nhiều lần ngược xuôi chạy chữa mà vẫn không mang lại kết quả, chị Đ. cùng chồng quyết định vào TP Hồ Chí Minh thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). “Hy vọng, đợi chờ rồi hụt hẫng luôn là một vòng lẩn quẩn. Đến khi siêu âm, nhìn thấy con cựa quậy vẫn không dám tin vào sự thật”, vừa nói, chị Đ. vừa lau nước mắt.
Tìm được con đã gian nan, quá trình “giữ con” cũng không kém vất vả. Thai yếu, chị Đ. phải nằm một chỗ trong nhiều tháng liền, gác chân lên cao, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự trợ giúp của người khác. Mái tóc dài được nuôi từ thời con gái cũng bị cắt trụi để tránh vướng víu.
“Người mẹ nào thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) cũng đều phải qua rất nhiều nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần. Đến nay, con đã hơn 3 tuổi, nhìn con khỏe mạnh, lớn lên từng ngày mà lòng lâng lâng hạnh phúc. Tất cả những đau đớn, vất vả đều xứng đáng”, chị Đ. bày tỏ.
Nựng nịu con trai hơn 2 tuổi trong lòng, chị P.T.M.L. (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bồi hồi nhớ lại hành trình kiếm con gian nan suốt 6 năm đằng đẵng với tổng chi phí lên đến hơn nửa tỷ đồng.
Vợ chồng chị L. kết hôn đã khá lâu nhưng vẫn không có thai, lo lắng đi khám thì bác sĩ cho biết cả 2 vợ chồng đều gặp vấn đề về sinh sản. “Hai vợ chồng tôi ra khỏi bệnh viện mà cứ buồn bã vì biết là sẽ rất vất vả để có được con”, chị L. kể lại.
“Khát" con, chị L. lúc nào cũng ủ rũ, lo lắng. Thêm vào đó là áp lực từ phía gia đình nhà chồng khiến chị như muốn rơi vào trầm cảm. Cuộc sống hôn nhân cũng vì thế mà căng thẳng, không hạnh phúc.
"Suốt thời gian chạy chữa, các bác sĩ đã an ủi, động viên rất nhiều. Nó như ngọn lửa hy vọng để cả hai vợ chồng tiếp tục cuộc hành trình", chị L. chia sẻ.
Sau khi tích cóp được ít tiền và vay mượn thêm, vợ chồng chị vào TP Hồ Chí Minh thuê nhà trọ, vừa mưu sinh, vừa thăm khám, điều trị hiếm muộn. Giữa muôn trùng khó khăn, vợ chồng chị vẫn chưa dứt hy vọng nên quyết định thử thêm lần nữa. Lần này, may mắn đã mỉm cười, sau 2 tuần sau chuyển phôi, chị L. chính thức có tin vui.
“Để có được hạnh phúc như bây giờ, phải trải qua bao nhiêu áp lực, từ bản thân, từ gia đình, xã hội... ngột ngạt đến mức tưởng chừng không thở nổi. Sợ nhất là những câu hỏi của người xung quanh như: “Vẫn chưa có gì à?” hoặc: “Đẻ đi thôi, kế hoạch gì nữa”. Có người cay nghiệt còn mỉa mai: “Cây độc không trái, gái độc không con”. Lễ, tết cũng không dám đi chơi đâu, sợ gặp họ hàng, rồi người ta lại hỏi”, chị L. rơm rớm.
Hành trình không phải ai cũng đến đích
Trên hành trình đau đớn, hoang mang, suy kiệt, mỏi mòn đi “kiếm con”, không phải người phụ nữ nào cũng thành công. Nhiều người không may mắn, đành phải xót xa đầu hàng số phận.
12 năm chạy chữa vô sinh, chị M.H. (huyện Sơn Tịnh) đã đi khắp các nơi, từ Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nhưng đều thất bại. Chị không thể đếm nổi bao nhiêu lần mũi kim tiêm đâm vào da thịt, bao nhiêu lần phẫu thuật, lấy trứng, chuyển phôi trong phòng phẫu thuật lạnh buốt.
Khi chuyển phôi có beta hCG thành công, vừa ngập tràn hy vọng thì chị H. lại tột cùng đau khổ khi thai bất ngờ bị tuột beta lúc 6 tuần tuổi. Chưa dừng ở đó, bác sĩ báo tin chị không còn cơ hội làm mẹ. Chị H. suy sụp hoàn toàn.
“Cứ mỗi lần thất bại là một lần ngã quỵ xuống, hai chân không thể đứng lên bước đi nổi nữa. Tâm lý thì tuyệt vọng, tài chính thì kiệt quệ. May mắn là chồng luôn bên cạnh động viên, chưa một lần trách mắng”, chị H. trải lòng.
Không phải ai cũng có được người bạn đời yêu thương, thông cảm như chị H., vì vô sinh, nhiều phụ nữ lại bị định kiến xã hội và sự ruồng bỏ từ gia đình chồng mà đổ vỡ hôn nhân. Đau xót hơn, lý do vô sinh, không phải lúc nào cũng từ phụ nữ.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh - Phụ trách Khoa hiếm muộn Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, thực trạng hiện nay, dưới áp lực của công việc, môi trường sống, hiếm muộn không còn là chuyện… hiếm, thậm chí có xu hướng ngày càng tăng. Bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15 trường hợp điều trị hiếm muộn, vô sinh.
Cũng theo bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh, từ năm 2021 trở về sau này, hiếm muộn chỉ đứng sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Ước tính có 7 - 10% cặp vợ chồng trong năm đầu tiên bị hiếm muộn và cũng tương đối nhiều cặp vợ chồng có 1 con rồi hiếm muộn, vô sinh.
"Nhiều người chồng khá gia trưởng, quy hết trách nhiệm cho vợ, thiếu hợp tác, điều đó lại tăng thêm áp lực cho người phụ nữ, quá trình điều trị lại càng khó khăn hơn. Dù nguyên nhân do bên nào thì điều trị vô sinh, hiếm muộn cũng cần phải có sự đồng hành, chia sẻ của vợ chồng và gia đình. Các cặp vợ chồng cũng nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để điều trị, không nên theo các cách phản khoa học, vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng sức khỏe”, bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh chia sẻ.