Hanjin đóng cửa chi nhánh châu Âu: Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục bị “nhấn chìm”?

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc “ông lớn” ngành hàng hải Hàn Quốc sẽ đóng cửa tất cả 10 chi nhánh tại thị trường châu Âu, cho thấy dấu hiệu Hanjin đã trở thành “quả bóng xịt” trước các đối thủ mạnh như Maersk hay CMA CGM.

 Những chiếc tàu hàng của Hanjin vẫn còn kẹt ngoài biển.

Việc “ông lớn” ngành hàng hải Hàn Quốc sẽ đóng cửa tất cả 10 chi nhánh tại thị trường châu Âu, bao gồm trụ sở khu vực đặt tại Đức... cho thấy dấu hiệu Hanjin đã mất đi chỗ đứng vững chắc trong ngành và trở thành “quả bóng xịt” trước các đối thủ mạnh như Maersk hay CMA CGM.

Theo đó, các thủ tục đóng cửa dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới sau khi Hanjin nhận được sự cho phép từ Tòa án quận trung tâm Seoul. Việc đóng cửa hoạt động tại châu Âu là một phần trong quy trình chia tách Hanjin được Tòa án quận trung tâm Seoul thực thi. Trước đó, tòa án này từng tuyên bố xem xét bán lại toàn bộ Hanjin. Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 8, “ông lớn” ngành hàng hải đã rao bán mảng kinh doanh vận tải giữa châu Á và Mỹ, cũng như cổ phần của hãng trong một kho cảng ở Long Beach, California.
Trong phiên giao dịch sáng 24/10 tại thị trường Seoul, giá cổ phiếu Hanjin có thời điểm giảm tới 14% sau khi thông tin về việc hãng sắp dừng hoạt động tại châu Âu được công bố. Theo dữ liệu của Hanjin, hãng này chiếm thị phần khoảng 4,3 % trên tuyến Á - Âu trong năm 2015. Hanjin phá sản sau một thời gian liên tục thua lỗ trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sút và tình trạng dư thừa công suất trong ngành vận tải biển thế giới đẩy giá cước xuống thấp. Tháng 8 vừa qua, các chủ nợ của Hanjin đã cắt cung cấp tài chính cho hãng, khiến nhiều tàu của hãng bị mắc kẹt ngoài khơi cùng với hàng hóa.
Bên cạnh bê bối của các chaebol – tập đoàn lớn, chính phủ Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với những khó khăn mới, khi Tổng thống Park Geun-hye đề nghị sửa đổi Hiến pháp – vấn đề đã gây tranh cãi trong suốt nhiều thập niên trong giới chính trị Hàn Quốc. Giới chuyên gia nhận định, vấn đề này có thể “châm ngòi” các cuộc tranh luận căng thẳng trong việc chuyển đổi mô hình chính sách kinh tế. Do các nhà phân tích và nhà đầu tư tỏ ra khá lo ngại trước những sự thay đổi trong chính sách của Tổng thống Park Geun-hye sẽ chỉ được thực hiện một năm sau đó bởi người kế nhiệm bà. Như vậy, nền kinh tế Hàn Quốc buộc phải đối mặt với khó khăn kéo dài, nhiều khả năng sẽ trở lại điểm xuất phát.
Nền kinh tế kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang phải đương đầu với những “cơn sóng” mãnh mẽ cả trong và ngoài nước, do ảnh hưởng từ việc tiêu thụ, đầu tư và xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng.  Và nếu, chính phủ Hàn Quốc không sớm đưa ra biện pháp đối phó với tình trạng khẩn cấp này, những bê bối trên sẽ tiếp tục “nhấn chìm” nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu cũng như sự phát triển của các chaebol.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần