Đưa hàng Việt tới 80 quốc gia, vùng lãnh thổ
Hapro được biết đến là một DN lớn của Hà Nội trong lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu và phát triển hạ tầng thương mại. Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu của Hapro tập trung vào một số mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ… Bước vào năm 2021, khi dịch Covid-19 hoành hành cả trong nước và thế giới đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hóa ách tắc, giá cước vận chuyển tàu biển tăng gấp 6 - 7 lần kéo theo giá thành sản phẩm tăng cao…
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng năm 2021 tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động Hapro đã nỗ lực vượt khó, tìm kiếm đơn hàng nên đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá trên 25 triệu USD tới 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng quý I/2022 đã xuất khẩu 70 container nông sản, thủ công mỹ nghệ… tới thị trường Mỹ, Trung Quốc...
Thực tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Hapro trong thời gian qua dù gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. Để có được kết quả này, DN đã đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ với người sản xuất, từ đó tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định chất lượng cao. Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn cho biết, để đưa nông sản Việt Nam tới các thị trường khó tính như Mỹ, EU…, Hapro đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói gạo, hạt điều theo tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) và tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
“Việc đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, đóng gói đã phát huy hiệu quả… hiện sản phẩm gạo của Hapro được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này, qua đó có thêm cơ hội xuất khẩu vào EU, Nhật Bản” - ông Tuấn thông tin.
Bên cạnh việc đa dạng nguồn hàng, công tác phát triển quảng bá thương hiệu đã được Hapro chú trọng thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ quốc tế, xây dựng mối quan hệ với các cơ quan tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; cùng với đó, khai thác tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, T.Ư và TP Hà Nội.
Theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn, với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, trong thời gian tới bên cạnh việc duy trì một số thị trường truyền thống, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, Hapro sẽ mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang một số thị trường có nhiều tiềm năng tiêu thụ hàng Việt như Hongkong (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Phi, Nam Mỹ… “Việc mở rộng thị trường xuất khẩu còn giúp DN tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu phân phối, tiêu dùng trong nước” - ông Tuấn phân tích.
Phát triển chuỗi bán lẻ hiện đại
Song song với việc phát triển hoạt động xuất khẩu, Hapro tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú. Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm cho biết, hiện DN đang quản lý, khai thác 76 siêu thị, cửa hàng tự chọn BRG Mart và Haprofood/BRG Mart trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời hỗ trợ DN sản xuất tiêu thụ hàng Việt, Hapro đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2023 phát triển tới 200 điểm mua sắm, siêu thị.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới Hapro sẽ đẩy mạnh trình tái cấu trúc, đầu tư cải tạo, nâng cấp hoạt động theo mô hình Home & Food, đồng thời xây dựng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu BRG Mart và Haprofood/ BRG Mart "phủ kín" các huyện của Hà Nội, trong đó chú trọng các huyện vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn và một số tỉnh thành lân cận Hà Nội… Qua đó, tổng công ty này phấn đấu đưa Hapro trở thành thương hiệu mua sắm hàng đầu cho người tiêu dùng trên cả nước.
“Việc xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ tại ngoại thành và các tỉnh lân cận không chỉ có tác dụng giúp người tiêu dùng tiếp cận hệ thống thương mại hiện đại, mà còn là cơ sở giúp Hapro xây dựng vùng nguyên liệu, trồng rau, tạo thực phẩm "sạch" và thu mua nguyên liệu để chế biến, cung cấp cho thị trường Thủ đô” - bà Đỗ Tuệ Tâm nêu rõ.
Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến thói quen thanh toán của người tiêu dùng cũng thay đổi từ trực tiếp sang đặt hàng online. Do đó, Hapro đã chuyển hướng bán hàng sang phương thức mới này. Khách hàng khi mua sắm tại hệ thống siêu thị BRGMart và Haprofood/BRGMart, thay chi trả bằng tiền mặt như trước đây, hiện phần lớn người tiêu dùng đã thanh toán qua ví điện tử hoặc thẻ tín dụng/ATM của các ngân hàng.
Để đáp ứng thói quen mua sắm mới, Hapro đã mở rộng phương thức bán hàng đa kênh, đa phương tiện như nhận đặt hàng qua App mua sắm trực tuyến BRG shopping, hotline, fanpage, zalo, dịch vụ giao hàng tại nhà… kết hợp kinh doanh online (trực tuyến) và offline (trực tiếp).
Bằng những nỗ lực không ngừng, hệ thống siêu thị BRG Mart và Haprofood/ BRG Mart đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng, trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình khi mua sắm, qua đó tạo cơ hội cho DN sản xuất tiêu thụ sản phẩm Việt.
Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng Hapro luôn vững vàng vượt mọi thách thức để giữ vững uy tín thương hiệu Việt Nam với đối tác kinh doanh trong và ngoài nước. Hapro đã và đang phát huy vai trò là một DN kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô.
"Hapro đã cơ cấu hoạt động xuất khẩu theo hướng tinh giản, an toàn, hiệu quả, đồng thời thường xuyên kết nối thông tin với các DN quốc tế, các đại sứ quán, cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của thị trường, từ đó lựa chọn mặt hàng có tính đột phá. Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Đặc biệt, Hapro cũng sớm tiếp cận thông tin, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu." - Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn.