Hé lộ thực trạng đáng báo động về nạn xâm hại tình dục trẻ em
Kinhtedothi - Mạng xã hội đang trở thành nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
Một nghiên cứu mới từ Viện An toàn Trẻ em Toàn cầu Childlight cho thấy, gần 2/3 số nam giới có hành vi xâm hại tình dục trẻ em sử dụng các nền tảng hẹn hò, trong đó hơn 1/5 sử dụng hàng ngày. Những người đàn ông này có tần suất sử dụng ứng dụng hẹn hò cao gấp gần bốn lần so với người không phạm tội.
Khảo sát được thực hiện trên 5.000 nam giới tại Anh, Mỹ và Úc. Kết quả cho thấy, 11,5% người tham gia thừa nhận có ham muốn tình dục với trẻ em, và 11% thú nhận từng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ vị thành niên.
Khi được hỏi về nhận thức đối với hành vi của mình, khoảng 11% nam giới tại Mỹ thừa nhận hành vi của họ là lạm dụng tình dục trẻ em, so với 7% ở Anh và 7,5% ở Úc.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo nạn khai thác và lạm dụng tình dục trẻ em trên không gian mạng đã trở thành một "đại dịch toàn cầu", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 300 triệu trẻ em mỗi năm.

Một nghiên cứu của Viện Childlight cho thấy gần 2/3 nam giới xâm hại tình dục trẻ em sử dụng ứng dụng hẹn hò. Ảnh: Freepik
Những phát hiện này được công bố trong bối cảnh Ủy ban Châu Âu đang đề xuất sửa đổi luật nhằm tăng cường khả năng phát hiện hành vi lạm dụng tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Một trong những điểm gây tranh cãi là việc cho phép quét nội dung trong các nền tảng có mã hóa đầu cuối. Hiện tại, các công ty công nghệ vẫn được hưởng miễn trừ tạm thời theo quy định của luật bảo mật điện tử EU để gắn cờ các nội dung bất hợp pháp, song quy định này sẽ hết hiệu lực vào tháng 4/2026.
Giáo sư Michael Salter, đồng tác giả báo cáo, cảnh báo các ứng dụng hẹn hò hiện nay thiếu biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả, tạo điều kiện cho những kẻ xâm hại tiếp cận phụ huynh đơn thân và con cái của họ.
Ông nhấn mạnh: “Không có lý do gì các nền tảng hẹn hò lại không áp dụng những phương pháp xác thực người dùng nghiêm ngặt giống như trong ngành ngân hàng.” Ông cũng cho rằng các hệ thống AI nên được sử dụng để phát hiện các từ ngữ và hội thoại có dấu hiệu nguy hiểm.
Salter đề xuất các ứng dụng hẹn hò cần áp dụng quy trình xác minh chặt chẽ hơn, bao gồm kiểm tra ID bắt buộc, sử dụng công cụ phát hiện hành vi dụ dỗ và đánh dấu các kiểu tin nhắn bất thường.
Giáo sư Debi Fry, Giám đốc Dữ liệu Toàn cầu của Childlight và giảng viên tại Đại học Edinburgh, nhận định bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đòi hỏi phải có các biện pháp can thiệp khẩn cấp.
Bà nhấn mạnh đây là vấn đề hoàn toàn có thể phòng ngừa được, nếu tập trung vào các chiến lược chủ động nhằm xử lý tận gốc nguyên nhân, bao gồm cả hệ sinh thái tài chính và công nghệ đang góp phần duy trì tình trạng lạm dụng.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo một số tập đoàn công nghệ lớn vừa hưởng lợi vừa tiếp tay cho vấn nạn này, khi lưu lượng truy cập liên quan đến nội dung lạm dụng vẫn mang lại doanh thu quảng cáo.
Đọc thêm: Facebook “khóa cửa” bảo vệ trẻ: mỗi cú click đều cần cha mẹ gật đầu
Báo cáo cũng cho thấy những người đàn ông phạm tội tình dục với trẻ em thường có xu hướng sử dụng tiền điện tử và chi tiền để mua nội dung khiêu dâm trên mạng.
Xét về điều kiện kinh tế – xã hội, nhiều người trong số họ lại được cộng đồng xem là đáng tin cậy, bởi họ có trình độ học vấn cao, sống trong gia đình có trẻ em hoặc làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ.

Hà Nội: 8,8% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi
Kinhtedothi - CDC Hà Nội đã điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi. Kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 4,8%, thấp còi 8,8%, gầy còm 4,6% và tỷ lệ thừa cân béo phì là 5,9%.

Hà Nội ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em
Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2025.

Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện
Kinhtedothi – Ngày 10/4, Bộ Y tế có Công văn số 2099/BYT-BMTE hướng dẫn các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư và UBND các tỉnh, TP tổ chức triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2025.