Hệ sinh thái số ngân hàng: Cơ hội cho cả các doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc mạnh tay chuyển đổi số ngân hàng không chỉ mang lại “quả ngọt” cho chính các nhà băng mà còn tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho DN tham gia hệ sinh thái khi có thể gặp gỡ, chia sẻ và tối ưu chi phí.

Nhiều tiềm năng để ngân hàng tăng tốc số hóa

Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu với các ngân hàng, DN. Ông Vũ Hồng Phú - Thành viên Ban điều hành MB kiêm Tổng Giám đốc MB Ageas Life cho biết, hiện tiềm năng với nền kinh tế số của nước ta vẫn rất lớn. Hơn 50% số DN vừa và nhỏ tại châu Á chưa được tiếp cận nguồn vốn chính thức, đồng nghĩa với khoảng 1,1 nghìn tỷ USD vốn vay ngân hàng cho DN vừa và nhỏ chưa được triển khai.

Tuy nhiên, đại diện MB cũng cho rằng, vẫn tồn tại những thách thức cũ với DN vừa và nhỏ trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Ví dụ, 45% số DN khối này gặp khó khăn với thời gian xử lý hồ sơ vay dài dù các ngân hàng đẩy mạnh đổi mới về sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.

Theo số liệu khảo sát 2.260 DN của McKinsey tại Đông Nam Á và Ấn Độ năm 2022, trong 3 năm tới, khoảng 70% DN sẽ chuyển đổi sang nền tảng kinh doanh số. Với chuyển dịch đó, dự kiến đến năm 2025, doanh thu đến từ nền tảng số sẽ chiếm khoảng 69%, trong khi doanh thu từ kênh truyền thống sẽ giảm xuống còn 31%. “Điều này đặt ra thách thức mới đối với DN vừa và nhỏ, song cũng cho thấy tiềm năng về hợp tác số giữa ngân hàng và các merchant thúc đẩy bán chéo các dịch vụ tích hợp ngân hàng và ngoài ngân hàng” - ông Phú chia sẻ.

Thực tế, việc đầu tư số hóa đã mang lại cho hệ thống ngân hàng rất nhiều “quả ngọt”. Số liệu từ Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.

“Đại dịch Covid-19 vừa qua, khi các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hội, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn và có những bứt phá thần tốc”- ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách - Vụ Thanh toán cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… đã chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên đến 40 - 50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn.

“Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40 - 50% thì hệ số rất lớn, góp phần tăng tỷ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi” - ông Hùng nói.

Bốn trụ cột cho hệ sinh thái ngân hàng số

Số liệu từ Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Đồng thời, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số.

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30 - 40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.

Trên cơ sở đó, đại diện MB chỉ ra bốn trụ cột của một hệ sinh thái hợp tác thành công cho ngân hàng và các DN vừa và nhỏ. Đó là xây dựng hệ sinh thái hợp tác chuẩn - đây là yếu tố quan trọng nhất khi chuyển đổi số; Luôn lấy khách hàng làm trọng tâm; Duy trì bằng quá trình hợp tác mạnh mẽ - giải quyết các yếu tố về tính độc quyền, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ doanh thu…; Và thúc đẩy thông qua sức mạnh phân tích dữ liệu.

Phân tích ví dụ về hệ sinh thái số của MB, ông Vũ Hồng Phú - Thành viên Ban điều hành MB cho biết, hiện ngân hàng có hai nền tảng số chủ lực là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng DN).

“Trên nền tảng này không đơn thuần chỉ là dịch vụ ngân hàng mà chúng tôi cung cấp rất nhiều các dịch vụ khác cho khách hàng DN và khách hàng cá nhân. Hiện có hơn 200 DN đang liên kết cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên hai nền tảng ứng dụng này của MB”- ông cho hay.

Việc hoàn thiện hệ sinh thái tài chính cộng với chiến lược kinh doanh số được triển khai quyết liệt đã giúp MB khởi sắc ngay trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn vì Covid-19, đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Hay tại HDBank, nhiều năm qua, ngân hàng này đã đầu tư mạnh mẽ cho công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, hạ tầng công nghệ, nền tảng thanh toán được đặc biệt chú trọng bên cạnh việc chuẩn bị 2 yếu tố quan trọng khác là con người và quy trình.

Sự ra đời của Trung tâm Chuyển đổi số (DTC) vào năm 2020 đánh dấu bước đi mạnh mẽ của ngân hàng trong chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025. Song song, HDBank đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, Blockchain, kỹ năng làm việc nhóm và giỏi ngoại ngữ.

HDBank là 1 trong 4 ngân hàng đầu tiên trên thị trường ứng dụng eKYC – định danh khách hàng trực tuyến và liên tục cải tiến quy trình định danh. Nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số được đầu tư trong nhiều năm qua đã giúp HDBank chuyển đổi phương thức hoạt động đáp ứng với bối cảnh kinh doanh mới một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Cụ thể, số lượng người dùng có hoạt động trên các kênh giao dịch trực tuyến đến ngày 30/9/2022 tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng giao dịch eBanking tăng gấp hai lần cùng kỳ. Số lượng người dùng eBanking tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch trung bình trên mỗi tài khoản eBanking tăng 1,25 lần so với cùng kỳ.

 

"Ngân hàng coi chuyển đổi số là một hành trình tất yếu, trong đó, thước đo chính cho chuyển đổi số là số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, số lượng giao dịch trên kênh số và trải nghiệm vượt trội của khách hàng." - Thành viên Ban điều hành MB Vũ Hồng Phú

"Ngày nay, khách hàng thường giao dịch xuyên suốt qua các nền tảng online và offline, việc chúng ta đáp ứng kỳ vọng của họ bất cứ ở nơi nào và thời điểm mà họ chọn tương tác hoặc giao dịch là rất quan trọng." - Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần